Nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Hong Kong

Tân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Trần Thanh Huân tin tưởng trong nhiệm kỳ 3 năm của mình, ông sẽ nỗ lực để nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hong Kong.
Bài phỏng vấn tân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Trần Thanh Huân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mới đây, Tuần san châu Á (Hong Kong) số ra ngày 29/11 đã đăng bài phỏng vấn tân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Trần Thanh Huân.

Bài báo dẫn nhận định của ông Trần Thanh Huân cho rằng việc ASEAN và Hong Kong ký Hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tận dụng tốt hơn vai trò đầu mối quan trọng về hàng hóa và dịch vụ của Hong Kong để tiến ra thị trường thế giới và Trung Quốc đại lục.

Tân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Trần Thanh Huân vừa đến nhận công tác tại Hong Kong vào ngày 5/11 vừa qua. Từng có 5 lần đến Hong Kong để công tác và du lịch, ông Trần Thanh Huân cho biết mình đã bị cuốn hút bởi sức hấp dẫn của Hong Kong.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Tuần san châu Á ngày 16/11, ông bày tỏ tin tưởng trong nhiệm kỳ 3 năm của mình, ông sẽ nỗ lực để nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hong Kong từ 16 tỷ USD lên 25 tỷ USD. Sau đây là tóm tắt nội dung cuộc phỏng vấn.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Xin ngài Tổng Lãnh sự cho biết quan điểm của Việt Nam về việc ký kết hiệp định thương mại tự do Hong Kong-ASEAN mới đây?

Tổng Lãnh sự Trần Thanh Huân: Nhìn từ quy mô đầu tư và quy mô thương mại song phương, chúng tôi đặc biệt coi trọng quan hệ với Hong Kong. Đây không chỉ là mối quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong, mà còn là mối quan hệ giữa các nước ASEAN với Hong Kong. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong, chỉ sau Trung Quốc đại lục. Đặc biệt là việc ASEAN và Hong Kong ký kết Hiệp định thương mại tự do, đã tạo cơ sở pháp lý cho nền tảng hợp tác thương mại ASEAN-Hong Kong.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Tranh thủ Hong Kong để bước ra thế giới, đối với Việt Nam, cái lợi thu được thể hiện ở đâu?

Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân: Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hong Kong sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam và các nước thành viên ASEAN trong việc tận dụng tốt hơn vai trò đầu mối quan trọng về hàng hóa và dịch vụ của Hong Kong để bước ra thị trường thế giới cũng như Trung Quốc đại lục.

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, có thể tranh thủ lợi thế của Hong Kong, chẳng hạn Hong Kong là một trung tâm tài chính của thế giới và cũng là trạm trung chuyển dòng chảy hàng hóa của các nước ASEAN, thông qua Hồng Kông, các sản phẩm của ASEAN có thể lưu thông sang Trung Quốc đại lục và các nước khác trên thế giới, có thể hưởng ưu thế của Hong Kong là mức thuế quan bằng không, các cảng khẩu của Hong Kong cũng rất phát triển. Hong Kong sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về dịch vụ cho các mặt hàng xuất khẩu của ASEAN, từ đó sẽ giảm được chi phí cho các hoạt động thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia vào mạng lưới khu vực.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Sau khi Hong Kong và ASEAN ký kết Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ lần lượt có quan hệ thương mại với Trung Quốc đại lục và Hong Kong, vậy nếu so sánh thì lợi thế trong thương mại với Hong Kong là gì?

Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân: Hong Kong từ lâu đã được coi là thị trường tự do nhất trên thế giới với hầu hết thuế nhập khẩu đều bằng không. Hong Kong có hệ thống cảng biển quốc tế lớn, hiện đại và các dịch vụ giao nhận, vận chuyển chuyên nghiệp. Hong Kong đóng vai trò đầu mối vận chuyển hàng hóa của châu Á và thậm chí cả thế giới. Ngoài ra, Hong Kong cũng là trung tâm tài chính lớn của thế giới, hội tụ rất nhiều doanh nghiệp và thương hiệu kinh doanh trên thế giới, đây là lợi thế tương đối rõ ràng của Hong Kong so với Trung Quốc đại lục.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Sau khi Hiệp định thương mại tự do Hong Kong-ASEAN được ký kết, triển vọng mới nào cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong trong thời gian tới?

Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân: Các nhà doanh nghiệp Hong Kong có thể hưởng lợi từ ASEAN. Đặc biệt là việc chúng tôi sẽ cắt giảm 60% thuế quan trong 3 năm tới. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, quan hệ giữa Hong Kong với Việt Nam và các nước ASEAN chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ. Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa chúng ta nhất định sẽ ngày càng sôi động. Kim ngạch đầu tư của Hong Kong tại các nước Đông Nam Á nhất định sẽ tăng, vì vậy, vị thế của Hong Kong tại Đông Nam Á và khu vực châu Á chắc chắn sẽ được nâng lên. Trong bối cảnh này, tôi đến Hong Kong làm Tổng Lãnh sự, nhất định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy hướng đi tương lai.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Xin ông giới thiệu cho chúng tôi về một số dự án hợp tác đang được tiến hành ở khu vực biên giới Trung-Việt?

Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân: Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới chung, thương mại biên giới giữa hai nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hai bên đã ký kết một số thỏa thuận đầu tư và hợp tác về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, tăng cường hợp tác giao lưu biên giới, thúc đẩy và duy trì thương mại biên giới phát triển một cách thuận lợi, lành mạnh và ổn định.

Hai bên đang tiếp tục thực hiện tốt các văn bản pháp luật về biên giới trên bộ, thúc đẩy việc thiết lập và nâng cấp các cửa khẩu mà hai bên đã thống nhất, lựa chọn các biện pháp để thuận lợi hóa việc thông quan biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Hai bên sẽ tăng cường hợp tác an ninh biên giới và quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp hai nước trong việc đấu tranh, phòng chống các hoạt động tội phạm như buôn lậu, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, sản xuất và kinh doanh hàng giả, xuất nhập cảnh trái phép… tại khu vực biên giới hai nước. Sắp tới, hai bên sẽ hoàn thiện và ký kết kế hoạch liên quan khu hợp tác xuyên biên giới.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong tháng 11. Vậy phía Việt Nam nhìn nhận thế nào về chuyến thăm này?

Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam đã thể hiện rõ nét quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Kết thúc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đến thăm sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bên cạnh việc tham dự Hội nghị cấp cao APEC do Việt Nam chủ trì tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, ông Tập Cận Bình còn cùng với các nhà lãnh đạo Việt Nam đưa ra một loạt nội dung liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa, an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, vấn đề trên biển...

Chuyến thăm thành công này đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ Việt-Trung, chúng ta cũng đã đạt được nhận thức chung trong việc tăng cường quan hệ hai nước Trung-Việt, nhất định sẽ phát huy vai trò tích cực về lòng tin giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việ Trung. Dựa trên những thành quả này, chúng tôi tin rằng mối quan hệ Việt-Trung từ nay về sau chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

[Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình]

- Phóng viên Tuần san châu Á: Theo ông, đâu là những triển vọng hợp tác mới cho quan hệ Trung-Việt trong thời gian tới?

+ Tổng lãnh sự Trần Thanh Huân: Việt Nam là một trong những đối tác hợp tác hàng đầu của Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Sáng kiến này tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.

Việt Nam đánh giá cao những thành quả hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên. Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Việt Nam hy vọng hai bên sẽ tăng cường hợp tác, Việt Nam sẽ nỗ lực, chân thành cùng Trung Quốc tích cực loại bỏ những khó khăn và trở ngại, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa.

Vấn đề trên biển, gần đây cơ bản ổn định. Hai bên đã đạt được nhận thức chung trong vấn đề trên biển. Điều quan trọng là hai bên sẽ làm thế nào để thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, cùng đưa ra nỗ lực cao nhất để kiểm soát tốt những khác biệt, bất đồng, cùng tìm kiếm hợp tác, tạo môi trường hòa bình để giải quyết vấn đề trên biển.

- Phóng viên Tuần san châu Á: Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục