Chuyện về cô nàng sứ giả khí hậu Hoàng Ngọc Xuân Mai

Nỗ lực thắp sáng “tinh thần thanh niên" hành động vì khí hậu

Tân sinh viên của Đại học Harvard Hoàng Ngọc Xuân Mai đã đại diện trao bản Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu đến Chủ tịch chỉ định của Hội nghị COP-26 Alok Sharma.
Nỗ lực thắp sáng “tinh thần thanh niên" hành động vì khí hậu ảnh 1Hoàng Ngọc Xuân Mai. (Nguồn: doanhnghiepvadautu.net.vn)

Ở tuổi 19, tân sinh viên chuyên ngành dự kiến sinh học phân tử của Đại học Harvard (Mỹ) Hoàng Ngọc Xuân Mai đã từ lâu được biết đến với hình ảnh một nữ sinh dành nhiều tâm huyết cho những hoạt động về môi trường.

Mới đây, Hoàng Ngọc Xuân Mai đã đại diện cho nhóm biên soạn gồm 20 thanh niên thuộc các đội, nhóm thanh niên bảo vệ môi trường của cả nước trình bày và trao bản Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu đến Chủ tịch chỉ định của Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26), Alok Sharma.

Cô nàng sứ giả vì khí hậu

Năm 17 tuổi, Xuân Mai đã tham dự Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-24) với tư cách đại diện của mạng lưới Climate Tracker (tổ chức phi chính phủ báo chí môi trường với hơn 15.000 nhà báo đến từ 150 quốc gia trên toàn thế giới).

Hai năm sau, cô gái trẻ lại được chọn tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên toàn cầu về biến đổi khí hậu (Pre-COP26) tại Milan, Italy vào tháng 9/2021 với tư cách một trong hai đại diện của thanh niên Việt Nam.

[Chủ tịch COP-26 đánh giá cao báo cáo Thanh niên hành động vì khí hậu]

Xuân Mai cũng đang tham gia phát triển Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên Việt Nam với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).

Chia sẻ về cơ duyên đến với các hoạt động bảo vệ môi trường, hành động vì khí hậu, Hoàng Ngọc Xuân Mai cho biết: “Môi trường và khí hậu luôn là chủ đề em quan tâm từ khi còn nhỏ. Nhưng việc tìm hiểu sâu hơn về mảng này thật ra xuất phát từ việc em rất đam mê viết. Hồi đi học, em tham gia câu lạc bộ báo chí-truyền thông của trường, và có nhiều dịp để viết bài về biến đổi khí hậu cho trường, sau đó là cộng tác cho các báo khác. Cũng rất may mắn là em tìm đến được với mạng lưới Climate Tracker (mạng lưới báo chí môi trường với hơn 15 nghìn nhà báo đến từ 150 quốc gia trên thế giới). Qua chương trình, em tìm được những anh chị cố vấn đã hỗ trợ em rất nhiều trong quá trình tìm hiểu và viết bài về chủ đề này.”

Mặc dù là Fellow (thành viên) nhỏ tuổi nhất của Climate Tracker, nhưng chỉ một thời gian ngắn, Mai đã đảm nhận vai trò Điều phối viên chương trình thanh niên, sau đó là Điều phối viên chương trình ở Đông Nam Á.

Từ những kinh nghiệm quản lý các chương trình nghiên cứu truyền thông và tập huấn về biến đổi khí hậu cho phóng viên trẻ trong khu vực, Xuân Mai đã trở thành một trong những người khởi tạo Mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu tại Việt Nam.

Mai cũng vinh dự được UNDP Việt Nam và Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mời làm Trưởng nhóm viết Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu.

Đây cũng là văn bản đầu tiên nêu lên bức tranh tổng thể về các hoạt động bảo vệ môi trường và những kiến nghị của thanh niên Việt Nam trong nỗ lực chung tay cùng cộng đồng, toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nỗ lực thắp sáng “tinh thần thanh niên”

Chia sẻ những khó khăn, trở ngại khi cùng các cộng sự thực hiện bản Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, Xuân Mai cho biết, trở ngại lớn nhất là các tác giả báo cáo, mỗi người ở một nơi. Nhóm của Xuân Mai gồm 20 người đến từ hơn 10 tỉnh, thành phố khác nhau, từ Hà Nội đến Bến Tre.

Nỗ lực thắp sáng “tinh thần thanh niên" hành động vì khí hậu ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau Trại viết báo cáo do UNDP tổ chức vào tháng 12/2020, dịp duy nhất mà các thành viên nhóm gặp nhau trực tiếp tại Quy Nhơn (Bình Định), thì nhóm phải làm việc hoàn toàn trực tuyến. “Có những buổi họp nhóm đêm khuya trên Facebook, những cuộc gọi khẩn để kịp tiến độ…” -  Xuân Mai chia sẻ.

Ngoài ra, một khó khăn mà “thủ lĩnh” Xuân Mai phải giải quyết đó là làm sao điều hòa quan điểm “chín người mười ý” của nhóm viết 20 người, cũng như hơn 400 bạn thanh niên tham gia tham vấn, khảo sát cho Báo cáo và gần 20 chuyên gia từ UNDP, Cục Biến đổi khí hậu, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác cùng đóng góp để hoàn thiện Báo cáo.

“Đối với em, việc làm sao đảm bảo thể hiện đúng và đầy đủ góc nhìn của tất cả mọi người là không dễ. Nhưng phải như thế thì báo cáo mới có tính đại diện cho thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu được,” Xuân Mai cho biết.

Bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng hiện thực hóa những kiến nghị và cả lộ trình cụ thể thực hiện các hành động vì khí hậu của thanh niên trong bản Báo cáo, Xuân Mai cho biết: “Vấn đề ở đây là thực hiện nhanh hay chậm và đó là tùy thuộc vào quyết tâm và nỗ lực của mọi người. Nhưng chúng ta không có nhiều thời gian để hành động vì khí hậu trước khi quá trễ.”

“Ai cũng có thể hành động theo cách riêng của mình. Em tin mỗi người dân Việt Nam cũng như tất cả mọi người trên thế giới đều có những kỹ năng riêng mà họ có thể áp dụng để đóng góp cho công cuộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và đừng bao giờ mất hy vọng. Em nghĩ thanh niên có tinh thần hành động vì các bạn tin vào những lý tưởng, tin vào nội lực cộng đồng và tin vào tương lai. Nhưng em hy vọng tất cả mọi người, kể cả những nguyên thủ quốc gia hay những lãnh đạo doanh nghiệp, đều vẫn giữ được "tinh thần thanh niên" để hành động vì khí hậu, vì chúng ta chỉ còn chưa đầy một thập kỷ để chiến thắng trong cuộc đua này,” Hoàng Ngọc Xuân Mai nhấn mạnh.

Đánh giá về bản Báo cáo đặc biệt này, Chủ tịch chỉ định COP-26 Alok Sharma cho rằng: “Đây là một báo cáo đầy nhiệt huyết nói lên tâm huyết của tuổi trẻ, đưa ra một số ý tưởng rất rõ ràng mà chúng ta nên làm cùng nhau để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu... Báo cáo này cũng nói lên niềm đam mê của tuổi trẻ. Các nhà lãnh đạo thế giới dù đưa ra chính sách gì, kế hoạch gì, họ phải luôn nghĩ đến việc bảo vệ hành tinh đầu tiên. Thành thật mà nói, đó cũng là thông điệp đến từ báo cáo của bạn: Hãy chọn sức khỏe của hành tinh trên tất cả.”

Nữ sinh sở hữu những kỷ lục học tập

Sinh năm 2002, Hoàng Ngọc Xuân Mai từng là thủ khoa đầu vào Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh). Không chỉ khiến bè bạn nể phục với kết quả học tập mà Xuân Mai còn là người hoạt động khá năng nổ với vai trò là thành viên câu lạc bộ báo chí và trưởng ban truyền thông của câu lạc bộ tiếng Anh trong trường.

Sau khi đạt trình độ IELTS 8.0 khi mới chỉ 11 tuổi, đang học lớp 6, đến năm lớp 7, Xuân Mai trở thành một trong hai học sinh xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi vô địch tiếng Anh cho học sinh phổ thông TOEFL Junior quốc gia 2014 với số điểm tuyệt đối 900/900 và điểm TOEFL Practice trực tuyến 115/120 (phá kỷ lục vô địch quốc gia TOEFL Junior 2013 là 113/120).

Chỉ sau một năm, lên lớp 8, Xuân Mai đã thi lấy chứng chỉ SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc đối với học sinh cho việc đăng ký vào nhiều trường đại học tại Mỹ) đạt số điểm 2260 (98%).

Năm 14 tuổi, Xuân Mai được nhận vào học và sau 4 năm, nữ sinh xuất sắc này tiếp tục ghi vào bảng vàng thành tích của mình khi tốt nghiệp thủ khoa trường trung học nội trú Phillips Exeter tại Mỹ với suất hỗ trợ tài chính.

Xuân Mai còn tốt nghiệp chương trình Yale Young Global Scholars Singapore do Đại học Yale tổ chức, khóa học Hè dành cho học sinh cấp 3 quốc tế với độ khó bằng trình độ đại học tại Yale (Mỹ). Mới đây, Xuân Mai đã xuất sắc đỗ và đang chuẩn bị nhập học Đại học Havard (Mỹ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục