Ngày 23/10, các phe phái ở Lesotho đã đạt được một thỏa thuận quan trọng hướng tới chấm dứt tình trạng bất ổn hậu đảo chính ở quốc gia nghèo đói thuộc khu vực Nam châu Phi này, với việc cả người đứng đầu lực lượng cảnh sát và quân đội nước này đều đồng ý từ chức.
Sau khi được nhóm thương thuyết do Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa - đại diện hòa giải của Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) đứng đầu - thuyết phục trong các cuộc gặp bí mật, Tư lệnh Quân đội Lesotho - Trung tướng Tlali Kamoli, cùng Trung tướng Maaparankoe Mahao và người đứng đầu lực lượng cảnh sát Lesotho, ông Khothatso Tsooana, đã nhất trí sẽ tạm rời nhiệm sở và trao lại quyền cho cấp phó trong một thời gian không xác định.
Thỏa thuận trên được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ tình trạng căng thẳng hiện nay giữa các phe phái trong quân đội cũng như giữa quân đội và cảnh sát ở Lesotho, đặc biệt sau vụ đảo chính quân sự hôm 30/8 vừa qua.
Tại Lesotho, cảnh sát và phần lớn quân đội trung thành với Thủ tướng Thomas Thabane, trong khi phần còn lại của quân đội ủng hộ Phó Thủ tướng Mothejoa Metsing, thuộc đảng Đại hội Dân chủ Lesotho (LCD - một đối tác trong liên minh cầm quyền).
Cuộc đảo chính nói trên xảy ra sau khi Thủ tướng Thabane quyết định sa thải Tư lệnh quân đội Kamoli và thay thế bằng Trung tướng Maaparankoe Mahao. Tuy nhiên, ông Kamoli quyết không từ chức và có tin cho biết ông đã chiếm giữ nhiều vũ khí và chạy trốn cùng một nhóm binh sỹ lên khu vực miền núi để chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại chính quyền.
Trung tướng Kamoli bị tình nghi đã chỉ huy cuộc đột kích dinh thự của Thủ tướng Thabane và trụ sở cảnh sát quốc gia rạng sáng 30/8, khiến một sỹ quan cảnh sát thiệt mạng và chín người khác bị thương.
Có tin cho hay Tướng Mahao cũng là một mục tiêu ám sát trong các cuộc tấn công này. Ngoài ra, Trung tướng Kamoli cũng bị cáo buộc đã chiếm giữ nhiều vũ khí trong các kho vũ khí của nhà nước để chuẩn bị cho các chiến dịch "phòng thủ và tấn công."
Tuy nhiên, quân đội đã bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời cho biết đã đột kích vào trụ sở cảnh sát nhằm truy tìm và tịch thu số vũ khí mà họ cho là được chuẩn bị chuyển giao cho "những kẻ cuồng tín chính trị."
Hiện Trung tướng Kamoli đang bị cảnh sát điều tra hai tội danh, gồm tội phản quốc và tội giết người. Một quan chức quốc phòng cấp cao Lesotho cho biết chính phủ đang thảo luận về một lệnh ân xá đối với ông Kamoli, nhằm hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị trong nước./.