Trong chuyến thăm châu Á năm 2013 với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh và cùng dùng bữa tối tại địa điểm chỉ cách Quảng trường Thiên An Môn vài bước chân.
Vị tân Chủ tịch Trung Quốc khi đó đã chào đón Phó Tổng thống Mỹ như một "người bạn cũ." Sau tám năm và qua hai cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, quan hệ hai nước đã có những thay đổi đáng kể trong vài năm qua, với xu hướng đối đầu và cạnh tranh chiến lược rõ rệt trong nhiều lĩnh vực cụ thể.
Trong bối cảnh đó, ông Biden, giờ đây đã là người đứng đầu Nhà Trắng, và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vào sáng 16/11 (theo giờ Việt Nam) trong nỗ lực "hãm phanh" căng thẳng và ngăn mối quan hệ song phương tuột dốc thêm nữa.
Đây là cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống hồi tháng 1/2021.
Trong bài phát biểu đầu tiên về đối ngoại sau khi nhậm chức, ông Biden từng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc, nhưng vẫn sẵn sàng hợp tác nếu điều đó nằm trong lợi ích của Washington.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định chính quyền Tổng thống Biden coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt, bởi "Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh bao gồm kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ."
Theo ông Blinken, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc "sẽ có sự cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc phải làm như vậy," song "đặc điểm chung là cần phải tiếp xúc với Trung Quốc."
Về phía Trung Quốc, ngay trong điện chúc mừng gửi ông Biden sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ Trung Quốc-Mỹ, đồng thời hy vọng hai nước sẽ giữ vững lập trường không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, tập trung vào hợp tác, giải quyết những bất đồng.
Có thể nói quan điểm đó đã được hai bên thể hiện trong gần 1 năm qua kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cạnh tranh về kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden tiếp tục gay gắt, thậm chí Wshington đang xây dựng "liên minh các nước" nhằm kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh trong các lĩnh vực như mạng 5G. Cạnh tranh về địa chính trị giữa hai nước tại các khu vực chiến lược chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, có vẻ cả hai vẫn cố gắng không để sự cạnh tranh và đối đầu này vượt tầm kiểm soát, có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí tiến hành cuộc đối thoại thượng đỉnh này là một trong những nỗ lực để kiểm soát mối quan hệ hai nước.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi cả hai nước đều đang chuẩn bị cho những sự kiện chính trị quan trọng của năm 2022, là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Quan hệ Trung-Mỹ là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cả Bắc Kinh và Washington và có tác động tới những sự kiện này.
[Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung: Nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung]
Tại cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc và Mỹ, với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đều là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cần tuân thủ 3 nguyên tắc gồm tôn trọng nhau, cùng tồn tại hòa bình, theo đuổi hợp tác cùng có lợi, qua đó giải quyết tốt các vấn đề nội địa trong lúc gánh vác trách nhiệm quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Biden nhấn mạnh đến sự "cạnh tranh thẳng thắn", cho rằng trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc là phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh này không dẫn tới xung đột, cho dù là trong dự định hay ngoài ý muốn.
Theo Tổng thống Mỹ, hai bên "cần thiết lập một số nhận thức chung," trong đó "đề cập rõ ràng và trung thực về những điểm bất đồng và hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cùng có lợi, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu."
Mặc dù lãnh đạo hai nước có những cách diễn đạt khác nhau, nhưng có thể thấy cả Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều thể hiện quan điểm phát triển quan hệ lành mạnh và ổn định để thúc đẩy sự phát triển riêng của hai nước và bảo vệ một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.
Chuyên gia về Trung Quốc Scott Kennedy tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định nhìn chung lãnh đạo hai nước đều nỗ lực đạt được mục tiêu của cuộc gặp là tạo ra sự ổn định trong mối quan hệ, thể hiện qua ngôn ngữ thân thiện và việc nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Việc cuộc gặp không tạo đột phá trong các vấn đề gai góc nhất giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Trên thực tế, đây là cơ hội để hai bên bày tỏ quan điểm và duy trì đối thoại, hơn là để giải quyết các vấn đề căng thẳng hay bất đồng.
Chuyên gia Scott Moore của Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận định Tổng thống Biden đang đối mặt nhiều thách thức chính trị trong nước khi cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ đến gần. Vì thế, bất cứ động thái nào của ông Biden có xu hướng "nhượng bộ quá mức" đối với Trung Quốc đều có thể trở thành "điểm yếu" để đảng Cộng hòa khai thác và chỉ trích ông không đủ sức giải quyết các thách thức từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng chuẩn bị cho sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng lần thứ 20. Những yếu tố này khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc khó có sự nhượng bộ hay thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán.
Truyền thông quốc tế nhận định cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến lần này dù mang tính biểu tượng hay ý nghĩa thực tế thì cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh dư luận ngày càng lo lắng về xu hướng quan hệ Mỹ-Trung, cuộc gặp được tổ chức ít nhất cũng phản ánh mong muốn của cả Washington và Bắc Kinh nhằm quản lý các tranh chấp và hạn chế căng thẳng.
Dù trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chủ động đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề mà hai nước có lợi ích chung. Minh chứng cho điều này là tuyên bố chung về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu mà hai nước đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh).
Trên lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng để ngỏ khả năng Washington sẵn sàng xem xét giảm một số loại thuế đối với Trung Quốc, được áp đặt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Đặc biệt, một "cái gai" trong mối quan hệ song phương cũng đã được gỡ bỏ khi các công tố viên Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt các thủ tục dẫn độ kéo dài ở Canada đối với Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu và cho phép bà trở về Trung Quốc.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Zhao Kejin tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã mô tả đường hướng hiện nay của Trung Quốc và Mỹ là một nỗ lực để xoa dịu căng thẳng.
Chuyên gia này nhận định: "So với những sóng gió thời chính quyền Tổng thống Trump, quan hệ hiện thời đang dịch chuyển theo hướng giảm nhẹ, nhưng dịch chuyển được bao xa thì chúng ta phải chờ xem."
Trong khi đó, Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế đánh giá điều hai bên cần làm trong thời gian tới là thiết lập một phương thức giải quyết vấn đề cho mối quan hệ Mỹ-Trung, và nếu có thể theo đuổi một cách tiếp cận chung, trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề gây bất đồng.
Dù các cuộc trao đổi giữa hai nguyên thủ quốc gia không thể giải quyết được tất cả các mâu thuẫn gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, song vẫn phần nào giúp ổn định mối quan hệ song phương và ngăn ngừa những hậu quả khó lường.
Việc Mỹ-Trung có thể vừa kiểm soát cạnh tranh, vừa hợp tác sẽ mang lại những tín hiệu tích cực hơn, có lợi cho cả hai nước, cho ổn định trật tự quốc tế trong bối cảnh "ngôi làng toàn cầu" đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19./.