Nỗ lực đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn di sản này.
Biểu diễn hát Xoan của huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) tại lễ hội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này.

Tỉnh Phú Thọ đã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; đồng thời chỉ đạo xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020.

Đây là cơ sở pháp lý, cũng là công việc cụ thể trước mắt và lâu dài để bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan theo phân kỳ hàng năm của cả giai đoạn 2013-2020.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết thời gian tới, tỉnh tập trung bảo tồn, truyền dạy và thực hành; nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tổng tập hát Xoan Phú Thọ; tổ chức các hoạt động biểu diễn và giao lưu trong nước; tăng cường tuyên truyền quảng bá; lập dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích và kiểm kê hát Xoan trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các phường Xoan để chủ động tổ chức truyền dạy và tổ chức các hoạt động, đồng thời chi tiền thù lao cho các nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy. Các nghệ nhân đã trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát Xoan.

Các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy cho 62 nghệ nhân kế cận để đến năm 2015 có thể cùng với lớp nghệ nhân già hiện nay kế tục truyền dạy cho những lớp trẻ tương lai và truyền dạy cho hơn 100 thiếu niên, nhi đồng tại các phường Xoan gốc như Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái và xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì.

Ngoài việc truyền dạy bài bản về Xoan, các học viên còn được tìm hiểu các đặc trưng của hát Xoan Phú Thọ do nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ nhân phổ biến trao đổi. Ngoài ra, để bảo tồn các bài Xoan cổ, tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa… điều tra, sưu tầm các bài Xoan cổ để ghi âm, ghi hình in xuất bản các bài hát Xoan cổ phục vụ cho công tác truyền dạy và nghiên cứu tìm hiểu về hát Xoan, trên cơ sở đó lên kế hoạch phục hồi, bảo tồn, truyền dạy, thực hành hát Xoan trong cộng đồng địa phương ở bốn phường xoan gốc.

Để đạt được hiệu quả, bước đầu tỉnh Phú Thọ đã sắp xếp các học viên theo nhóm tuổi. Cụ thể, có các nhóm thanh niên, nhóm thiếu niên và nhóm trung niên. Nhóm thiếu niên được đào tạo với mục đích "gieo mầm;" nhóm thanh niên được đào tạo với mục đích là trình diễn đúng lề luật ca hát và biểu diễn trong các không gian thờ vua; nhóm trung niên lại chính là đội ngũ mở rộng sinh hoạt hát Xoan trong cộng đồng.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho rằng, nếu làm tốt công tác đào tạo hai nhóm thiếu niên và thanh niên là Phú Thọ đã làm tốt công tác bảo tồn và đưa hát Xoan Phú Thọ thoát khỏi tình trạng phải bảo vệ khẩn cấp.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xoan, trong giai đoạn 2013-2015, công tác đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát Xoan trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản hát Xoan; kịp thời phát huy vai trò của các nghệ nhân lão thành để nhanh chóng đào tạo được các nghệ nhân trẻ, từng bước kế tục lớp nghệ nhân hiện nay thực hiện công tác truyền dạy cho các thế hệ sau; công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hoá các bài hát Xoan cần được tăng cường.

Những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa hát Xoan, việc thực hành hát Xoan trong cộng đồng địa phương cần được phục hồi, đẩy mạnh. Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng sẽ được thành lập nhằm quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa hát Xoan; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và các phường hát Xoan.

Giai đoạn 2016-2020, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ gắn với hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ (thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường hát Xoan, các di tích hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương); tăng cường đưa hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu đến năm 2020, các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống được khôi phục; từ đó, xây dựng thành không gian văn hóa hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục