Nỗ lực đưa di sản ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

Từ chỗ không còn ai biết đàn, hát ca trù, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 8 câu lạc bộ ca trù hoạt động ở 10 huyện, thành phố, đưa di sản văn hóa này dần thoát ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
Hát ca trù, loại hình nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Năm 2009, ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Bắc Giang là một trong số 15 tỉnh, thành của cả nước có loại hình nghệ thuật này.

Các cấp chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hình thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình di sản này, từng bước đưa ca trù thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tuy nhiên, để ca trù được thực hành rộng rãi trong đời sống còn nhiều gian nan, thách thức.

Theo các tài liệu, ca trù là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc có lịch sử phát triển lâu đời. Thế nhưng trong suốt thời gian dài trước khi được UNESCO ghi danh, ở Bắc Giang, không còn ai biết đàn và hát ca trù.

Để bảo tồn loại hình nghệ thuật này, từ năm 2008, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện một số giải pháp và đạt được một số chuyển biến tích cực.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Trần Minh Hà, từ chỗ không ai biết đàn, hát ca trù, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 8 Câu lạc bộ ca trù hoạt động ở 10 huyện, thành phố.

[Bắc Giang coi trọng bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù]

Ca trù từng bước khẳng định vị thế trong đời sống xã hội đương đại và dần thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Các liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tiết mục ca trù do diễn viên tại cơ sở thể hiện.

Nhiều diễn viên Bắc Giang đã đoạt giải cao tại các cuộc thi nghệ thuật hát ca trù toàn quốc và khu vực do Trung ương tổ chức.

Có mặt tại một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ ca trù huyện Yên Dũng (Bắc Giang), phóng viên thấy được sự nhiệt tình, yêu thích loại hình nghệ thuật này của các thành viên câu lạc bộ.

Thành lập từ năm 2009 với hơn 10 thành viên, chủ yếu là những người đã nghỉ hưu, đến nay câu lạc bộ có gần 30 thành viên, trong đó có cả trẻ em.

Bà Ong Thị Thu Hoài, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, câu lạc bộ sinh hoạt mỗi tháng một lần.

Tại mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên câu lạc bộ cùng nhau luyện tập, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết.

Sau mỗi lần tập, câu lạc bộ lại họp rút kinh nghiệm, làn điệu nào hát tốt phát huy, chưa được sẽ khắc phục.

Ngoài việc tập luyện sinh hoạt định kỳ, các thành viên câu lạc bộ đều tranh thủ thời gian rảnh ở nhà để tự học qua băng đĩa, Internet.

Mỗi lần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức các lớp truyền dạy hát ca trù, câu lạc bộ đều cử thành viên tham gia, sau đó về truyền dạy cho mọi người.

Tuy kinh phí hỗ trợ còn eo hẹp, 10 năm hoạt động, có khi các thành viên câu lạc bộ còn phải bỏ tiền tự sắm trang phục, dụng cụ âm nhạc... nhưng vì đam mê nên mọi người vẫn rất nhiệt tình tham gia.

Để bảo tồn giá trị di sản ca trù, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều hình thức. Do không còn ai biết hát ca trù, tỉnh đã mời các nghệ nhân đàn, hát ca trù nổi tiếng ở Hà Nội về giảng dạy.

Đối tượng truyền dạy là các diễn viên, nhạc công, những hạt nhân văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Mỗi năm, tỉnh mời thầy về mở lớp tập trung truyền dạy một lần, thời gian từ 10 đến 15 ngày. Mỗi lần học từ 3 đến 5 bài, từ dễ đến khó. Sau 10 năm kiên trì khôi phục nghệ thuật hát ca trù, tỉnh Bắc Giang đã có 8 Câu lạc bộ ca trù.

Tiêu biểu như Câu lạc bộ ca trù huyện Yên Dũng, Câu lạc bộ ca trù Đông Lỗ (Hiệp Hòa), Câu lạc bộ ca trù Bắc Giang… với hơn 100 hội viên.

Các hội viên đều hát được một số bài ca trù; nhiều ca nương, kép đàn, trống chầu có chuyên môn vững, thể hiện được những làn điệu khó như các nghệ sỹ ưu tú Quỳnh Mai, nghệ sỹ ưu tú Thanh Hường, các nghệ sỹ Mai Hương, Đắc Huấn...

Cùng với việc mời thầy về truyền dạy, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ trang phục, nhạc cụ cho một số câu lạc bộ để hoạt động. Một số địa phương đã đưa ca trù vào hội diễn, hội thi tạo sự phong phú cho phong trào văn nghệ.

Với những nỗ lực đã đạt được, Bắc Giang từng bước đưa ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này được thực hành rộng rãi trong đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi thực tế, các Câu lạc bộ ca trù đều được thành lập theo hình thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí hoạt động, các thành viên làm nhiều ngành nghề khác nhau nên hoạt động chưa thật sự ổn định.

Công chúng hiểu, yêu thích ca trù còn rất ít nên ca trù hiếm khi có cơ hội thực hành trong đời sống.

Biểu diễn ca trù ở Bắc Giang mới chỉ lác đác xuất hiện qua các cuộc liên hoan, hội diễn của tỉnh và huyện. Các ca nương, kép đàn, trống chầu mới biểu diễn theo yêu cầu, chứ chưa có ai tự biểu diễn để kiếm được tiền.

Vừa qua, tỉnh Bắc Giang tổ chức kỷ niệm 10 năm ca trù được UNESCO vinh danh. Đây là dịp để tỉnh đánh giá kết quả đạt được, định hướng phong trào và đề ra phương hướng, nhiệm vụ những năm tiếp theo.

Nhiều ý kiến đề xuất, thời gian tới, Bắc Giang cần xây dựng một đề án riêng về bảo tồn, phát huy giá trị ca trù; hàng năm mở các lớp truyền dạy, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn để ca trù có “sân chơi,” “đất diễn.”

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức giới thiệu, biểu diễn ca trù ở một số điểm di tích, danh lam, thắng cảnh của địa phương gắn với các tour du lịch...; xem xét hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ ca trù và có chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân ca trù./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục