Nỗ lực đưa bệnh nhân COVID-19 thoát khỏi 'lưỡi hái tử thần'

Mặc dù cuộc chiến với dịch bệnh lần này nhiều khó khăn, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng đã có những sinh mạng được các bác sỹ giành giật khỏi “lưỡi hái của tử thần” COVID-19.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thực hiện nhiệm vụ. (Nguồn: TTXVN)

Gần một tháng qua, các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã không quản hiểm nguy, khó khăn, vất vả, hy sinh tình cảm gia đình và bản thân để dấn thân nơi tâm dịch.

Mặc dù cuộc chiến với dịch bệnh lần này nhiều khó khăn, cam go, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng đã có những sinh mạng được giành giật khỏi “lưỡi hái của tử thần” COVID-19, cho chúng ta thêm niềm tin để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Chia sẻ về một trong những ca bệnh nặng được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa, giúp người bệnh có những tiến triển tốt, tiến sỹ Vũ Đình Phú, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết đó là trường hợp của anh T.V.C (39 tuổi, quê Yên Bái).

Trước khi vào viện hơn 1 tháng, bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, vàng mắt tăng dần, tiểu sẫm màu kèm tiêu chảy, tự mua thuốc nam uống 1 tháng không đỡ.

Bệnh nhân vào khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn huyết-xơ gan-suy gan cấp TD do nhiễm virus CMV, tình trạng cải thiện chậm.

Ngày 5/5, do sốt cao 39 độ C, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính, bệnh nhân được dùng phác đồ điều trị COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân sốt cao liên tục, mệt mỏi nhiều kèm khó thở, được chuyển Khoa Cấp cứu ngày 11/5, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết-suy gan-mắc COVID-19.

Sau điều trị 3 ngày, bệnh nhân đi vào hôn mê, suy hô hấp nặng, được đặt ống nội khí quản, chuyển Khoa Hồi sức tích cực.

Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, duy trì kháng sinh, bù dịch, dinh dưỡng… Tri giác bệnh nhân dần cải thiện, tỉnh táo hơn, hợp tác tốt, chức năng hô hấp tốt lên, sau đó bệnh nhân được cai thở máy, rút ống nội khí quản và chuyển thở ôxy kính, tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực 4 ngày.

Đến ngày 19/5, tình trạng bệnh nhân ổn định, tự đảm bảo ăn uống sinh hoạt cá nhân.

Một trường hợp cũng có diễn biến bệnh nặng khác là chị N.T.P (32 tuổi, quê Vĩnh Phúc). Chị N.T.P vốn khỏe mạnh nhưng do tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19 nên tới ngày 28/4, chị có biểu hiện sốt, ho, chảy nước mũi, khó thở, không tức ngực.

Ngày 1/5, bệnh nhân được cách ly và tới ngày 2/5, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính.

Ngày 3/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tiếp đó, bệnh nhân sốt cao, tình trạng suy hô hấp tăng, phải thở ôxy từ ngày 8/5, đến ngày 10/5 phải thở máy HFNC và chuyển Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được điều trị thở máy HFNC, điều trị corticoid, thuốc phòng, chống huyết khối, sau 4 ngày, tình trạng hô hấp dần hồi phục, được chuyển thở ôxy kính.

Sau những nỗ lực điều trị của các y, bác sỹ, tới ngày 16/5, bệnh nhân được ngừng thở ôxy, toàn trạng ổn định.

Đến ngày 19/5, bệnh nhân không sốt, không khó thở, tình trạng ổn định, tự đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cá nhân.

[Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục tự cách ly y tế tới 9/6]

Một trường hợp khác cũng được điều trị và cho kết quả tiến triển tốt là anh V.T.S (46 tuổi, quê Bắc Ninh).

Anh V.T.S sống trong vùng có dịch, ngày 4/5, anh xuất hiện biểu hiện sốt, ho, khạc đờm nhiều, đau rát họng, tức ngực, khó thở, kèm đi ngoài phân lỏng 3 lần/ngày và nổi ban đỏ tay và chân, sau đó anh được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 9/5, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tới ngày 10/5, bệnh nhân suy hô hấp tăng, thở máy không xâm nhập HFNC đáp ứng kém, được đặt ống nội khí quản, chuyển Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, kháng sinh, corticoid, thuốc phòng, chống huyết khối, dinh dưỡng.

Sau 9 ngày điều trị hồi sức tích cực, tình trạng bệnh của anh S dần cải thiện, bệnh nhân cai được thở máy, rút ống nội khí quản và thở ôxy ngày 19/5.

Đến ngày 22/5, tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, không khó thở, tự đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cá nhân.

Đây chỉ là 3 trong số gần 30 trường hợp đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong đó có 24 bệnh nhân thở máy (4 bệnh nhân đã được bỏ thở máy), 3 bệnh nhân phải can thiệp bằng máy ECMO.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. (Nguồn: TTXVN)

Cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 còn kéo dài, các y, bác sỹ được ví như những “thiên thần áo trắng” đang từng ngày, từng giờ nỗ lực để giành lại sự sống cho những bệnh nhân mắc COVID-19.

Cùng cả nước chung tay dập dịch, luôn ở những tuyến đầu về điểm nóng COVID-19, những “thiên thần áo trắng” đó với trách nhiệm của một người thầy thuốc, với đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của mình đã không quản hiểm nguy, khó khăn vất vả, hy sinh tình cảm gia đình và bản thân, dấn thân nơi tâm dịch, nỗ lực hết mình để vật lộn với “tử thần," đem lại sự sống cho những người bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục