Phát biểu tại cuộc tranh luận chung của Ủy ban Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Phạm Vinh Quang nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang đứng trước tình hình phức tạp cần các động lực mới để thúc đẩy các vấn đề khẩn cấp về loại trừ hiểm họa hạt nhân, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cộng đồng thế giới cần có các nỗ lực cụ thể hơn nhằm đạt được mục tiêu giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Việt Nam ủng hộ tiến trình giải trừ quân bị, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ hoàn toàn tất cả các biện pháp cấm phát triển, sản xuất, trang bị, thử nghiệm, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như việc phá hủy tất cả các loại vũ khí hủy diệt này; đồng thời kêu gọi Ủy ban Liên hợp quốc về giải trừ quân bị thỏa thuận chương trình nghị sự toàn diện và cân bằng, thiết lập Ủy ban đặc biệt thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân trong thời gian sớm nhất.
Kết thúc cuộc tranh luận chung, Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, đồng thời đảm bảo quyền của tất cả các nước sử dụng hòa bình nguồn năng lượng hạt nhân.
Các nước đang phát triển khẳng định giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình là nhu cầu khẩn cấp để đảm bảo một thế giới an toàn hơn, và nâng cao giá trị của cuộc đấu tranh toàn cầu chống vũ khí hủy diệt. Các nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất phải có trách nhiệm đặc biệt thúc đẩy cả hai tiến trình giải trừ quân bị và sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.
Mặc dù Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược đã được ký kết năm 2010 là bước đi đúng đắn nhưng Nga và Mỹ, hiện sở hữu 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới, vẫn còn nhiều việc phải làm theo hai định hướng trên cho phù hợp với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Kế hoạch hành động năm 1998, về trật tự thế giới không bạo lực và phi vũ khí hạt nhân.
Ủy ban giải trừ quân bị của Liên hợp quốc cần thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động đã được Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân thông qua năm 2010.
Các nước phát triển và đang phát triển cũng nhất trí cho rằng quan hệ giữa giải trừ vũ khí hạt nhân và phát triển tuy phức tạp nhưng không thể phủ nhận. Hơn 23.000 vũ khí hạt nhân vẫn đang hiện hữu trên hành tinh. Đảm bảo duy nhất để vũ khí này không được sử dụng là loại trừ và cấm hoàn toàn chúng.
Các nguồn lực chi cho vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng xóa đói nghèo và giảm đau khổ cho hàng tỷ người trên hành tinh. Chi tiêu quân sự hiện đã lên tới 1.500 tỷ USD hàng năm có thể cứu 1,4 tỷ người đang sống cùng khổ trên toàn cầu, cứu 11 triệu trẻ em bị chết hàng năm và giúp thế giới đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Khối các nước không liên kết tại Liên hợp quốc khẳng định quyền không thể tranh cãi của tất cả các nước về sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình, đồng thời lên án “tiêu chuẩn kép” đang áp đặt cho các nước đang phát triển trong sử dụng năng lượng hạt nhân./.