Nỗ lực đảm bảo chất lượng giáo dục và kết thúc năm học trước 15/7

Việc dạy học trực tuyến đã giúp các trường rút ngắn được thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học từ 3-6 tuần, chất lượng giáo dục cơ bản được đảm bảo.
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) trong giờ học môn Tiếng Việt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chiều 3/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến trong giai đoạn học sinh, sinh viên tạm dừng đến trường do dịch COVID-19.

Hội nghị được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học cùng Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn công nghệ viễn thông, nhà mạng chung tay thực hiện khẩu hiệu "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học."

[Tổ chức dạy học hiệu quả gắn với đảm bảo an toàn trong nhà trường]

Học sinh, sinh viên tuy không đến trường nhưng vẫn tiếp cận được với kiến thức, với thầy cô, được kết nối qua môi trường mạng. Tuy ngành giáo dục trải qua giai đoạn khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Bộ trưởng nhấn mạnh dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên, ngành giáo dục thực hiện một cách bài bản, rộng khắp.

Với quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm, đồng hành của các công ty công nghệ, nhà mạng, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ sở giáo dục, phương thức dạy học từ xa, học trực tuyến, qua truyền hình đã được tổ chức tốt và bước đầu có kết quả tích cực.

Trong quá trình thực hiện mô hình mới, ngành Giáo dục đã nhận được sự quan tâm sát sao của Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng.

Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua đã khẳng định ngành giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Qua đó, giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.

Học sinh học qua truyền hình tại nhà. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Bên cạnh những ưu điểm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc triển khai dạy học trực tuyến cũng còn những hạn chế cần khắc phục, trong đó có việc cần làm thế nào để đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thí điểm mô hình dạy học trực tuyến tại 5 tỉnh với khoảng 20 trường học, qua đó rút kinh nghiệm để nhân rộng, với sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều công ty công nghệ lớn, các nhà mạng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá việc dạy học trực tuyến đã có kết quả bước đầu, góp phần vào chuyển đổi số. Vì vậy, ngành giáo dục coi đây là cơ hội để cùng nhau quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số.

Qua hội nghị này, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo quy chế dạy học trực tuyến, từ xa, trên truyền hình để làm cơ sở pháp lý cho các nhà trường thực hiện.

Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, việc dạy học trực tuyến đã giúp các trường rút ngắn được thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học từ 3-6 tuần, chất lượng giáo dục cơ bản được đảm bảo; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Hầu hết các tỉnh đảm bảo kết thúc năm học trước 15/7.

Tuy nhiên, các địa phương cũng chỉ rõ một số khó khăn khi dạy học trực tuyến như: hạ tầng internet, thiết bị đầu cuối hỗ trợ học tập, thiết bị thu sóng hạn chế và không đồng bộ; kinh phí trong việc tổ chức xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình còn gặp khó khăn; trình độ của một số giáo viên còn hạn chế.

Cùng với đó, công tác quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học của một số nhà trường chưa tốt; vẫn còn tình trạng học sinh chưa tập trung, nhiều học sinh gặp khó khăn khi trở lại trường...

Do vậy, sau khi học sinh đi học trở lại, các trường đã thực hiện rà soát, kiểm tra, phân loại, dồn lớp học sinh để có kế hoạch dạy học cho các loại đối tượng khác nhau; tổ chức dạy bù, dạy kèm cho học sinh không tham gia học trực tuyến, trong đó ưu tiên các môn chính.

Các trường cũng tăng thời lượng ôn tập cho học sinh các khối 9, 12, nỗ lực để hoàn thành chương trình với kết quả cao nhất.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, một số trường có hệ thống đào tạo trực tuyến mạnh hoặc có kinh nghiệm trong phát triển nguồn học liệu mở đã thực hiện việc dạy học trực tuyến dễ dàng và ít tốn kém.

Hầu hết các trường còn lại chuyển sang sử dụng lớp học qua mạng theo thời gian thực.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo còn thiếu kinh nghiệm và nguồn lực phát triển, quản lý đào tạo trực tuyến; các môn học thực hành, thí nghiệm khó ứng dụng đào tạo trực tuyến hoặc đòi hỏi đầu tư cao mới có thể triển khai hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục