Nỗ lực của chính phủ và startup Việt chinh phục nhà đầu tư Hàn Quốc

“Techfest 2019” tại Seoul là một chương trình trong Đề án 844, giúp các start-up Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Bộ Khoa học Công nghệ phát biểu với các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Seoul. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Bộ Khoa học Công nghệ phát biểu với các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Seoul. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Nhận thức tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có các start-up, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thức hỗ trợ như xây dựng và triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì với mục đích tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, sử dụng trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vào năm 2017, Quy định về khuyến khích đầu tư thông qua Quỹ đầu tư cho đội ngũ khởi nghiệp sáng tạo và gần đây Chính phủ đã ra rất nhiều quy định nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong các lĩnh vực.

Với chuỗi các hội thảo, sự kiện kết nối doanh nghiệp, “Techfest 2019” tại Seoul là một chương trình trong Đề án 844, giúp các start-up Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc.

Trước đó, một hoạt động tương tự cũng đã diễn ra từ ngày 6-7/11 tại thành phố cảng Busan miền Nam Hàn Quốc. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan chức năng phụ trách các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách… hiểu sâu hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp tiên tiến của Hàn Quốc, có cái nhìn rõ ràng và toàn diện hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong quá trình hòa nhập với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Đặc biệt, chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Techfest 2019” tại Hàn Quốc cũng đem lại cho các start-up nhiều cơ hội giá trị như gặp gỡ các nhà đầu tư, thảo luận với các đối tác mục tiêu, mở rộng quan hệ và nâng cao kiến thức về khởi nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Bộ Khoa học Công nghệ cho biết Hàn Quốc và Singapore là điểm dừng chân đầu tiên của Techfest ở châu Á (trước đó, hồi tháng 9, Techfest đã diễn ra ở Mỹ).

Theo ông Phạm Hồng Quất, đây là một trong các chiến lược giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ra bạn bè cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, đồng thời cũng để giới thiệu năng lực của đội ngũ start-up Việt Nam đã đạt các giải thưởng ở trong nước, được các nhà đầu tư trong nước quan tâm và kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài.

Trong hành trình này, ông Phạm Hồng Quất cho biết, phía Việt Nam rất khuyến khích các start-up cũng như các tổ chức hỗ trợ các start-up ở các nước sở tại trở thành cầu nối quan trọng giúp Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam mời gọi các start-up, các nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ trên thế giới tới giúp các start-up Việt Nam, đến với Việt Nam trong những ngày hội Techfest quốc gia dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 12 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

[Cơ hội cho các start-up Việt Nam trước làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc]

Trong những năm tiếp theo, “Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động đã triển khai ở các nước mà ta đã thiết lập quan hệ, mở rộng thêm ở thị trường châu Âu và châu Mỹ để giúp Việt Nam có một hệ sinh thái khởi nghiệp hòa nhập với thế giới và để thế giới biết đến Việt Nam là một địa chỉ tin cậy về trí tuệ, đầu tư mạo hiểm cởi mở, có sự tăng trưởng trong đầu tư cho thế hệ mới, doanh nghiệp mới về công nghệ,” Trưởng đoàn start-up Việt Nam tới Hàn Quốc cho hay.

Theo ông Phạm Hồng Quất, những kiến nghị và đề xuất của các nhà đầu tư Hàn Quốc rất có ý nghĩa và những bài học của Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền thủ đô Seoul rất có giá trị tham khảo giúp Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam đề xuất những cơ chế cởi mở hơn, cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Mặc dù có nhiều thế mạnh song theo một số chuyên gia về khởi nghiệp, thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để phát triển và đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á bởi họ cũng đang có những sáng kiến tương tự để đi gọi vốn và giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo ông Chris Chae - Giám đốc điều hành NexTrans, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hận cần là rào cản lớn với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng khởi nghiệp nói riêng.

Mặt khác, số lượng start-up hùng hậu chưa phải là bảo chứng cho thành công của doanh nghiệp bởi đã có nhiều start-up không thể “sống sót” sau 5 năm hoạt động.

Theo Chris Chae, các doanh nghiệp non trẻ và các nhà sáng lập cần có thêm nhiều kiến thức và sự đồng hành tư vấn của nhiều bên liên quan.

Trong khi đó, ông Seon H. Bae - Giám đốc phụ trách thị trường Indonesia, Việt Nam của STIC Investments cho rằng những nhiêu khê về thủ tục pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài đang là điểm trừ khiến nhiều doanh nghiệp e dè.

"Hầu hết các khoản đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam đều mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình đi đến thành quả lại nhiêu khê và mất thời gian hơn tại nhiều thị trường khác," ông Seon H. Bae cho biết.

Bên cạnh đó, không phải start-up nào cũng có khả năng thể hiện được hết những tiềm năng của mình. Đó là lý do khiến họ phải không ngừng cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới và hoàn thiện dự án mỗi ngày.

Để thành công, họ cần những người cố vấn chuyên môn nhằm vạch ra phương hướng hoạt động chính xác hơn. Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng Quất cho rằng họ còn cần sự hỗ trợ quan trọng từ phía các tập đoàn, quỹ đầu tư, kể cả từ phía Chính phủ và các địa phương Việt Nam.

Theo ông, những sự hỗ trợ đó chưa được tập trung và nhiều như ở Hàn Quốc. Ông Phạm Hồng Quất cũng cho biết trong giai đoạn sắp tới, để các start-up công nghệ Việt Nam phát triển được, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh hơn mối quan hệ giữa các start-up trong nước với các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước, như ngân hàng Shinhan và tập đoàn CJ của Hàn Quốc, hai doanh nghiệp lớn có khá nhiều dự án hỗ trợ cho các start-up Việt Nam, nhân rộng mô hình này giúp hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có những bàn tay nâng đỡ, những đối tác đầy kinh nghiệm và nhiều nguồn lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục