Bài 2: Xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng sạch
Thực tế cho thấy giám sát ở khâu chế biến dù chặt chẽ đến đâu cũng không ngăn ngừa một cách hiệu quả các vụ ngộ độc thức ăn do thực phẩm có xuất xứ bẩn.
Giải pháp căn cơ, gốc rễ là xây dựng một hệ thống minh bạch về sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn đúng nghĩa.
"Thị trường sạch" chưa minh bạch
Do lo ngại về thực phẩm bẩn nên người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn gấp đôi, gấp ba bình thường để mua rau, thịt được gắn mác “sạch.”
“Rau sạch” theo đúng quy định là các loại thực vật không có tồn dư thuốc trừ sâu dù ở mức rất nhỏ. Điều này có nghĩa là người nông dân trồng rau mà hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật.
Còn khái niệm “rau sạch” đang rất phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chính là để nói về loại rau an toàn (có dư lượng thuốc trừ sâu trong ngưỡng cho phép).
[Hàng hóa Tết: Xử lý nghiêm vi phạm, kiểm soát chặt an toàn thực phẩm]
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những mặt hàng có gắn mác “sạch” trên thị trường được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của VietGAP với 30 quy trình kỹ thuật dưới sự kiểm tra, giám sát của cán bộ chuyên ngành.
Do các sản phẩm ViệtGap được bán với giá cao nên các mặt hàng giả mạo tràn ngập thị trường, trong khi đó cơ quan chức năng lại buông lỏng việc kiểm soát.
Liệu sản phẩm được bày trong các cửa hàng treo bảng hiệu “thực phẩm sạch” có mức độ an toàn đến đâu thì chỉ người bán biết. Người tiêu dùng như lạc vào mê cung với những lời quảng cáo “có cánh” và thật, giả lẫn lộn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, cho rằng hàng kém chất lượng "đội lốt" nhãn mác VietGAP đưa vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính.
Hiện tại, hình thức mua, bán thực phẩm sạch online đang lên ngôi. Nhiều người tiêu dùng thích đặt rau, thịt, thủy sản trên mạng vì được quảng cáo là an toàn, được sơ chế và giao tận nhà.
Các bà nội trợ thường mua hàng theo phong trào, dựa vào cảm tính, tuân theo cơ chế “rỉ tai nhau” nên bỏ qua khâu kiểm tra giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, chứng nhận an toàn...
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự thảo Luật nhằm hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
An toàn thực phẩm từ nguồn nguyên liệu
Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới nêu rõ, để bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp là xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn; phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng; khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết an toàn nguyên liệu là vấn đề mấu chốt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong vấn đề an toàn thực phẩm từ nguyên liệu, vai trò của các hợp tác xã rất lớn.
Thông qua tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, Nhà nước mới có thể có đầu mối để quản trị an toàn thực phẩm, người dân mới có thể liên kết với nhau, có đủ nguồn lực để sản xuất an toàn, tạo nên nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn.
Ở hình thức hợp tác xã thì nguyên liệu đầu vào có thể mua được rẻ hơn, các thành viên sẽ có đủ vốn để mua các vật tư đảm bảo an toàn thực phẩm, có đủ khả năng về nguồn vốn để sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap, đưa ra các sản phẩm an toàn.
Nếu chỉ một hộ riêng lẻ thì khó làm được điều này. Đây là một trong những giải pháp cho vấn đề an toàn thực phẩm trong thời gian tới và cần được thúc đẩy.
Ước tính đến thời điểm cuối năm 2022, cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã.
Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu xã viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan: An toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, phải làm từng ngày, từng giờ và phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới vào cuộc.
Thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP được đưa vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng.
Để định hướng lâu dài, cần phải kiểm soát chặt khâu sản xuất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cộng đồng doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đơn giản đến việc mua-bán với người nông dân, mà mục tiêu, sứ mạng cuối cùng của doanh nghiệp là kiến tạo, chia sẻ giá trị để thay đổi nhận thức.
Bước đầu doanh nghiệp có thể hợp tác với người nông dân sản xuất thực phẩm sạch ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần khi tất cả đã vào guồng.
Giá trị của doanh nghiệp sẽ cao hơn rất nhiều lần, thương hiệu doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều lần và khi đó hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng đánh tráo nhãn mác sẽ giảm đi rất nhiều lần.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hoàn thiện dần những quy định, đã đến lúc phải chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp, từ hệ thống phân phối lớn, từ tập đoàn lớn, dần trở thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống nuôi trồng đến sơ chế chế biến lưu thông trên thị trường; kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hóa chất độc hại với môi trường, cũng như khâu nhập và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phải coi truy xuất nguồn gốc nông sản là yếu tố bắt buộc. Tạo liên kết chặt chẽ giữa cơ sở tham gia chuỗi, tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bà Vũ Thị Hậu đề xuất cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh những mảng màu xám thì trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc đã xuất hiện những mảng màu tươi sáng.
Tành phố Hà Nội đang hướng đến ''nền nông nghiệp xanh." Thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, tăng cường thay thế bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học..., hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
Nền nông nghiệp an toàn sẽ tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Để xây dựng thương hiệu “Rau cần Khai Thái” ở 35ha ruộng, xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn.
Giá trị sản xuất tăng cao, đạt 700-900 triệu đồng/ha. Sản phẩm rau cần Khai Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và là sản phẩm 4 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín trên thửa đất rộng 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn (100% sản phẩm được dán mã QR); hiện mỗi ngày cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các vùng sản xuất an toàn không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân (tăng hơn 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống) và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hà Nội đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích hơn 40.000ha, 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ, gần 700ha chăn nuôi xa khu dân cư, 6.900ha nuôi, trồng thủy sản tập trung và 50ha vùng trồng hoa chất lượng cao.
Bên cạnh việc sản xuất rau, thịt, thủy sản sạch thì khâu cung ứng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc.
Hiện nay, nước ta có 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đã được xây dựng tại 62/63 tỉnh, thành phố từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Mô hình thí điểm đạt hiệu quả trong công tác quản lý chợ nhằm đảm bảo thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi vậy, các tỉnh, thành phố đang tích cực duy trì và nhân rộng mô hình bằng nguồn ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, việc mở rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm gặp nhiều thách thức bởi nước ta có 8.549 chợ truyền thống, trong đó có 80% chợ ở khu vực nông thôn, 86% là chợ hạng 3, tức là chợ dân sinh quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất còn rất kém nên khó thu hút nguồn vốn để đầu tư.
Phần lớn tiểu thương lấy hàng từ chợ đầu mối hoặc từ những vùng sản xuất tự cung, tự cấp của các địa phương, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với nhóm hàng này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, có đến 2 triệu tiểu thương cần phải được tập huấn về an toàn thực phẩm, nhưng rất nhiều người vì tiếc một buổi chợ mà không tham gia tập huấn. Một trong những khó khăn nữa là nguồn ngân sách đầu tư từ Trung ương về các địa phương hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của địa phương về đầu tư hạ tầng cơ sở - điện, đường, trường, trạm và chợ.
Do đó, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn về triển khai an toàn thực phẩm và xây dựng, đổi mới hạ tầng cơ sở với các chợ truyền thống để thay đổi vấn đề an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống./.
Đón đọc bài 3: Kinh nghiệm quốc tế dành cho Việt Nam