Nợ của người dân Trung Quốc tăng lên mức đáng báo động

Theo chuyên gia Lý Dương, phần lớn nợ của người dân có liên quan đến thị trường bất động sản, làm gia tăng sự lan tỏa giữa rủi ro nợ của người dân với rủi ro của thị trường bất động sản.
Nợ của người dân Trung Quốc tăng lên mức đáng báo động ảnh 1Chuyên gia Trung Quốc dự đoán vật giá biến động sẽ không trở thành nhân tố chủ chốt khiến chính sách điều tiết vĩ mô năm 2021 thay đổi. (Nguồn: ft.com)

Tại Diễn đàn thị trường hàng hóa phái sinh Thượng Hải, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm tài chính và phát triển quốc gia Trung Quốc, thành viên Viện khoa học xã hội Trung Quốc Lý Dương cho biết, tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ nợ/vốn đang có) của người dân Trung Quốc trong năm 2020 đã vượt qua Đức và Nhật Bản - một dấu hiệu tương đối nguy hiểm.

Hơn nữa, xu thế gia tăng nợ của người dân Trung Quốc từ năm 2010 đến nay tương tự như tình hình trước khi xảy ra khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ.  

Theo chuyên gia Lý Dương, tỷ lệ đòn bẩy của người dân Trung Quốc tương đối ổn định trong giai đoạn 2004-2009, nhưng sau đó đã tăng mạnh.

Phần lớn nợ của người dân có liên quan đến thị trường bất động sản, làm gia tăng sự lan tỏa giữa rủi ro nợ của người dân với rủi ro của thị trường bất động sản.

[Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đối mặt với những vấn đề mới]

Ông Lý Dương nhấn mạnh, trái phiếu Chính phủ của Trung Quốc, đặc biệt là trái phiếu của chính quyền địa phương đa phần được các ngân hàng thương mại nắm giữ.

Điều này dẫn đến tình trạng tài chính hóa chính sách tài khóa, đồng thời khiến cho tính lan tỏa của rủi ro tài khóa và rủi ro tài chính tăng mạnh.

Đề cập đến ảnh hưởng của giá hàng hóa chiến lược tăng đối với chính sách của Trung Quốc, ông Lý Dương dự đoán vật giá biến động sẽ không trở thành nhân tố chủ chốt khiến chính sách điều tiết vĩ mô năm 2021 thay đổi.

Theo đó, sau năm 2012, xu thế diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc hoàn toàn không giống nhau.

Xu hướng của CPI cơ bản ổn định, liên quan chặt chẽ đến tình hình phát triển của ngành kinh tế số như công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, logistics.

Trong khi PPI xuất hiện sự biến động tương đối lớn, một mặt liên quan mật thiết đến thị trường quốc tế, mặt khác lại quan hệ chặt chẽ đến mức độ tài chính hóa cao của nền kinh tế thực. 

Quan ngại giá cả hàng hóa chiến lược tăng quá nhanh là nội dung quan tâm trọng điểm của các cơ quan điều hành cấp cao Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Ngày 23/5, năm bộ ngành bao gồm Ủy ban cải cách và phát triển (NDRC), Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin đã tổ chức hội nghị để cùng bàn về hoạt động của các doanh nghiệp trọng điểm có sức ảnh hưởng thị trường tương đối mạnh trên các ngành công nghiệp như quặng sắt, thép, đồng, nhôm.

Hội nghị xác định rõ sẽ theo dõi sát xu thế diễn biến giá cả hàng hóa chiến lược trong thời gian tới, kiên quyết điều tra xử lý nghiêm khắc những hành vi thỏa thuận độc quyền theo quy định của pháp luật.  

Trong một động thái liên quan vào tuần trước, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã yêu cầu phải hết sức chú ý ảnh hưởng bất lợi do giá cả hàng hóa chiến lược tăng mạnh gây ra, phải thực hiện chính sách tổng hợp để bảo đảm nguồn cung, hạn chế tình trạng tăng giá không hợp lý, nỗ lực ngăn chặn tác động đến giả cả tiêu dùng của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng đã yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với tình hình giá hàng hóa chiến lược tăng nhanh và những ảnh hưởng tiêu cực đi kèm, tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách khác, duy trì sự vận hành ổn định của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục