Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 10/5, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, dư nợ nợ công dài hạn của nước này đã vượt ngưỡng 1 triệu tỷ yen (khoảng 7.700 tỷ USD)
Theo Bộ Tài chính, trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022), nợ công dài hạn của Nhật Bản lên tới 1,017 triệu tỷ yen.
Đây là năm thứ 18 liên tiếp nợ công dài hạn Nhật Bản lập kỷ lục mới. So với tài khóa 2020, dư nợ nợ công dài hạn (không bao gồm một số loại trái phiếu) của Nhật Bản tăng tới 4.400 tỷ yen, chủ yếu do chi phí an sinh xã hội tăng vì tình trạng già hóa dân số cùng các khoản chi khẩn cấp tăng để ứng phó với dịch COVID-19.
Trong tài khóa 2022, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua ngân sách có tổng trị giá 107.600 tỷ yen.
[Thủ tướng Nhật Bản tự tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế]
Trong tổng kinh phí dự toán cho tài khóa 2022, khoản chi chính sách lớn nhất là an sinh xã hội, tăng khoảng 440 tỷ yen lên mức kỷ lục 36.270 tỷ yen, chiếm hơn 33% tổng ngân sách, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số tiếp tục đẩy chi phí y tế lên cao.
Với việc số tiền thu được từ thuế có thể chỉ đạt hơn 65.000 tỷ yen, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch phát hành 36.930 tỷ yen trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Bên cạnh đó, vào tháng Tư vừa qua, liên minh cầm quyền đã nhất trí xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2022 trị giá hơn 2.500 tỷ yen để đối phó với các tác động tiêu cực của việc giá cả nhiên liệu và thực phẩm leo thang.
Điều này được dự đoán sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Nhật Bản ngày càng tăng, khiến tình trạng nợ công trở nên tồi tệ hơn./.