Nợ công của Vương quốc Anh tăng cao kỷ lục trong 60 năm qua

Riêng tổng số tiền vay mượn của lĩnh vực công trong tháng Chín vừa qua của Xứ sở sương mù đã lên tới 36,101 tỷ bảng (46,9 tỷ USD), cao hơn 2,5 tỷ bảng so với dự báo của giới phân tích kinh tế.
Cảnh vắng vẻ tại London, Anh, do đại dịch COVID-19 ngày 24/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do tác động to lớn của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, số tiền vay mượn của Chính phủ Anh trong 6 tháng đầu của tài khóa 2020 (bắt đầu từ 1/4), đã cao hơn gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo nợ công của nước này lên mức cao kỷ lục kể từ năm 1960.

Theo thông báo ngày 21/10 của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh, riêng tổng số tiền vay mượn của lĩnh vực công trong tháng Chín vừa qua đã lên tới 36,101 tỷ bảng (46,9 tỷ USD), cao hơn 2,5 tỷ bảng so với dự báo của giới phân tích kinh tế, mặc dù con số này trong tháng Tám đã được điều chỉnh xuống hơn 5 tỷ còn 30,113 tỷ bảng.

Vay mượn tăng đã kéo tổng nợ công vượt hơn 2.000 tỷ bảng lên mức 2.060 tỷ bảng, tương đương 103,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - mức cao nhất kể từ năm 1960.

[Tỷ lệ thất nghiệp tại Vương quốc Anh cao nhất trong hơn 3 năm qua]

Theo ONS, do chi tiêu tăng và việc thu thuế giảm trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, tổng số tiền vay mượn của Anh trong 6 tháng đầu tài khóa 2020 đã lên tới 208,5 tỷ bảng, cao hơn gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, trong tháng Tám, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) dự báo vay mượn của nước này tính đến cuối tài khóa 2020 có thể lên mức kỷ lục 372 tỷ bảng, tương đương 18,9% GDP - mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Cùng chung nhận định của OBR về số tiền vay mượn của Anh trong tài khóa 2020, giới phân tích kinh tế cho rằng chi tiêu của Chính phủ Anh có thể tăng trở lại trong 6 tháng cuối của tài khóa 2020 do nhiều địa phương đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, buộc chính phủ có thể phải đưa ra thêm các gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp phải đóng cửa và người lao động mất việc làm.

Bên cạnh đó, báo cáo của ONS còn cho thấy lạm phát của Anh trong tháng Chín tăng lên 0,5%, cao hơn 0,3% so với tháng Tám, do chương trình kích cầu "Eat out to help out,"giảm giá đồ ăn tại các nhà hàng kết thúc.

Chương trình nói trên nhằm hỗ trợ các quán càphê, nhà hàng hoặc quán rượu. Thống kê cho thấy người dân Anh đã được hưởng hơn 100 triệu bữa ăn giảm giá theo chương trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục