Theo kết quả khảo sát của NNA Japan Co., một công ty thuộc hãng tin Kyodo News của Nhật Bản, Việt Nam đã được các công ty Nhật Bản bình chọn là điểm đến đầu tư hứa hẹn nhất tại châu Á trong năm 2020.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến từ tháng 11-12/2019, Việt Nam nhận được 42,1% trong số 820 câu trả lời hợp lệ, dựa trên các yếu tố như tiềm năng của một thị trường đang phát triển và nguồn cung lao động giá rẻ, có kỹ năng.
GDP của Việt Nam được ghi nhận duy trì đà tăng trưởng tích cực với tốc độ bình quân hằng năm trên 6% kể từ năm 2000 và năm 2018 đạt mức hơn 7%, mức cao nhất trong 10 năm.
Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,03% trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng.
Xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,94 tỷ USD, vốn FDI đăng ký đạt 38,02 tỷ USD - là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, bội chi ngân sách thấp, lạm phát dưới 3%.
Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Trong năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 70 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số môi trường kinh doanh.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ mức xếp hạng 77 của năm 2018 lên mức xếp hạng 67 trong năm 2019.
Một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư là mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp lớn, cụ thể là 0% trong 5 năm đầu tiên và 5% cho 10 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm sau đó, nhờ vậy đã thu hút các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus...hay các nhà sản xuất thời trang như Nike và Adidas...
Nhiều tờ báo châu Á đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, một phần nhờ vào thành quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã phát huy nội lực, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, và tranh thủ tham gia các hiệp định thương mại quốc tế nên ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
[Kinh tế năm 2019 có sự bứt phá vượt mục tiêu tăng trưởng]
Cũng theo khảo sát của NNA Japan, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai với 12,2%, khi những người tham gia cuộc khảo sát dành nhiều kỳ vọng cho thị trường đang phát triển và tiềm năng của nước này với vai trò là cửa ngõ vào khu vực Trung Đông và châu Phi. Myanmar “nhảy vọt” ba bậc so với năm ngoái lên vị trí thứ ba với 11,6%, trong khi Indonesia đứng ở vị trí thứ tư với 6,6%.
Trung Quốc, một điểm đến đầu tư đã đánh mất phần nào sức hấp dẫn do những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ và chi phí nhân công gia tăng, xếp ở vị trí thứ năm với 5,1%./.