Ninh Vân - làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng và độc đáo của Ninh Bình

Từ một làng nghề chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, thủ công nhưng đến nay làng đá Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) đã phát triển rực rỡ với những doanh nghiệp lớn chuyên chế tác đá mỹ nghệ.

Người thợ đang chuẩn bị hoàn thành tác phẩm rồng đá chầu bậc thềm. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Người thợ đang chuẩn bị hoàn thành tác phẩm rồng đá chầu bậc thềm. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Làng nghề đá Ninh Vân thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là một làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng và độc đáo trong cả nước.

Không ai biết chính xác nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân xuất hiện từ bao giờ. Tương truyền rằng vị tổ nghề đá ở Ninh Vân tên húy là Hoàng Sùng, người gốc Thanh Hóa (làng Nhồi) là một thợ chế tác đá tài giỏi, thời trẻ di cư ra đây và làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền dạy cho dân địa phương.

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia Ninh Vân đã nổi tiếng với nghề làm tượng đá cho Kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư, từ thời các vua Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009).

Theo các hiện vật khảo cổ và hiện vật lưu tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ thế kỷ X, Hoa Lư đã được mệnh danh là “Kinh đô đá” với những núi non, tường thành và những công trình kiến trúc bằng đá nổi tiếng.

Từ những hòn đá thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người thợ chế tác đá Ninh Vân, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Ban đầu thợ chế tác đá làm các sản phẩm đơn giản phục vụ mùa màng như cối giã, cối xay, con lăn trục lúa… Dần dần, các sản phẩm được đa dạng và phong phú hơn. Được chia thành nhóm sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày, nhóm chạm khắc đá mỹ nghệ và nhóm phục vụ nhu cầu tâm linh.

ninh van2.jpg
Công đoạn cắt, chọn đá để đưa vào chế tác. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Để hoàn thành một sản phẩm đá mỹ nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Tuy nhiên, các công đoạn chế tác nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp phụ thuộc vào từng loại sản phẩm đá, nguyên liệu…

Tuy nhiên, trong các khâu, lựa chọn nguyên liệu là khâu quan trọng nhất vì nếu nguyên liệu không đảm bảo thì chất lượng sản phẩm sẽ không cao. Người chọn đá phải có kinh nghiệm lâu năm, chọn những khối đá phải sạch sẽ, tránh những vết dập nứt, dính tỳ vết…

Nghề chế tác đá ở Ninh Vân truyền nghề theo lối cha truyền con nối, nhưng cũng có cơ chế mở đối với từng công đoạn. Những bí quyết nghề mà các nghệ nhân có được là do sự kiên nhẫn, tìm tòi, học hỏi, sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình lao động.

Trải qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã tạo tác ra những công trình kiến trúc mang phong cách của từng thời kỳ lịch sử khác nhau.

ninh van3.jpg
Người thợ đá mỹ nghệ Ninh Vân đang chế tác tỷ mỉ mẫu tượng phương Tây. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

Sản phẩm ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân phong phú, đa dạng như tượng đài, lăng mộ, nhà thờ, tượng Phật, lư hương, cuốn thư, hoành phi... Từ những tảng đá xù xì, người thợ đá Ninh Vân đã chế tác ra những sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân để lại trên những khối đá được chế tác tinh xảo, ở những công trình nổi tiếng như Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), Lăng Khải Định (Thừa Thiên-Huế), Lăng Bà Chúa Liễu (Nam Định), tượng đài mẹ Suốt (Quảng Bình), công trình tượng đài mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc (Thành phố Hồ Chí Minh)…

vnp-nha tho phat diem1.jpg
Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình). (Ảnh: Vietnam+)

Trước đây, mọi công đoạn chế tác đá ở Ninh Vân đều được làm bằng tay rất vất vả. Sau này, công nghệ máy móc phát triển, hiệu suất lao động của người thợ đã được cải thiện rõ rệt.

Từ một làng nghề chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, thủ công nhưng đến nay làng đá Ninh Vân đã phát triển rực rỡ với những doanh nghiệp lớn chuyên chế tác đá mỹ nghệ.

Đến nay, xã Ninh Vân có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Tổng doanh thu của làng nghề mỗi năm đạt hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL, ghi danh nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, vào danh mục Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia.

Những sản phẩm của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân không chỉ có giá trị vật thể, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần giàu bản sắc truyền thống của những người dân làm nghề chạm khắc đá mỹ nghệ nơi đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục