Ninh Thuận có hơn 105km đường bờ biển. Tốc độ đô thị hóa cao cùng với sự gia tăng hoạt động sản xuất và du lịch trở thành áp lực đối với môi trường nhiều vùng ven biển.
Để nâng cao chất lượng môi trường sống, tỉnh tăng cường quản lý, thu gom xử lý rác thải trên địa bàn.
Biển Bình Sơn-Ninh Chữ (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Ninh Thuận nhưng cũng là một trong những “điểm nóng” phải hứng chịu lượng rác rất lớn từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng hải sản và du lịch.
[Ninh Thuận dành 21 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh]
Để tránh nguy cơ bị ô nhiễm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng riêng một đề án quản lý, thu gom làm sạch môi trường biển tại đây.
Để giữ gìn môi trường tại Khu Du lịch biển Bình Sơn-Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp như ban hành quy chế bảo vệ môi trường biển, lắp lưới chắn rác tại bãi tắm nhằm ngăn rác từ ngoài biển trôi dạt vào bờ.
Các phường bố trí, lắp đặt hàng chục thùng rác dọc bờ biển cùng các khẩu hiệu tuyên truyền giúp người dân, du khách tắm biển có chỗ bỏ rác thuận tiện.
Đồng thời, địa phương giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương mại và Sản xuất Nam Thành sử dụng xe sàng rác chuyên dụng trên bãi biển và tàu chạy vớt rác ở trên mặt nước để đưa rác vào bờ xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân, du khách, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường biển, thành phố cũng tăng cường quản lý việc buôn bán hàng rong trên bãi biển, sắp xếp khu vực quy định trong khuôn viên công viên biển Bình Sơn cho các hộ kinh doanh, buôn bán và yêu cầu các hộ phải kinh doanh đúng địa điểm, thời gian, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhằm giúp vùng biển Bình Sơn được trong sạch, an toàn, phục vụ phát triển du lịch, thành phố đã phối hợp với các phường, xã tổ chức vận động, cưỡng chế di dời các lồng, bè của ngư nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ về vùng nuôi đã quy hoạch.
Ngành chức năng tăng cường tuần tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời để tránh tình trạng tái diễn việc kéo lồng bè về lại khu vực bãi tắm Bình Sơn-Ninh Chữ.
Việc thu gom rác thải không chỉ được thực hiện ở một hay hai bãi biển tập trung đông du khách mà những hoạt động về bảo vệ môi trường biển đã diễn ra ở hầu hết các vùng biển tại Ninh Thuận như Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm); Mỹ Tân, Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải); Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam).
Nhờ những nỗ lực của các cấp, ngành, tại các bãi biển trên đã giảm hẳn tình trạng xả rác thải, môi trường biển ngày càng trong sạch hơn.
Để làm sạch môi trường, ngăn ngừa việc xả rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải, rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên vùng biển của tỉnh.
50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom. 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy.
Đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên vùng biển của tỉnh. 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, thời gian tới Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là các trường hợp đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Các đơn vị, công ty thu gom, xử lý rác thải tăng cường bố trí các thiết bị chứa rác và các địa điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường.
Các địa phương ven biển phối hợp cùng các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, chiến dịch thu gom rác làm sạch bãi biển, khu dân cư ven biển.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Song song với đó, Ninh Thuận tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn để góp phần hạn chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường./.