Ninh Thuận: Vận động 100% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy

Ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận vận động 100% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy; vận động 100% nhà riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất-kinh doanh mở lối thoát nạn thứ hai...
Người dân mua bình chữa cháy. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Để không xảy ra tình trạng cháy, nổ trong địa bàn khu dân cư, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn người và tài sản của nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền chia sẻ để thể hiện sự quyết tâm trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy gắn với phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân tại địa bàn khu dân cư.

Các địa phương đảm bảo 100% hộ gia đình trên địa bàn quản lý phải có ít nhất một người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Đặc biệt, ngành chức năng tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện hoàn thành các nội dung về rà soát, xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy," “Điểm chữa cháy công cộng," bảo đảm 100% đối tượng thuộc diện phải được xây dựng; vận động 100% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy; rà soát, vận động 100% nhà riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất-kinh doanh, nhà ở từ 2 tầng mở lối thoát nạn thứ 2, lối thoát khẩn cấp… để ứng phó và xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng hướng dẫn xây dựng các mô hình “Khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy," “Đội phòng cháy, chữa cháy tình nguyện”; lắp đặt, trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy như bể nước chữa cháy, trụ nước chữa cháy tại các khu dân cư, hẻm, ngõ nhỏ mà xe chữa cháy không tiếp cận được...

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát, phá dỡ, di dời các chướng ngại vật trái phép như cột, ụ bêtông, barie… gây cản trở hoạt động của xe chữa cháy tại các khu dân cư. Đồng thời, các địa phương rà soát và kiến nghị các đơn vị quản lý hạ tầng viễn thông, điện lực và các tổ chức, cá nhân liên quan có giải pháp khắc phục dứt điểm việc câu móc điện không bảo đảm an toàn, cản trở hoạt động của xe chữa cháy tại tất cả tuyến đường, ngõ hẻm mà xe chữa cháy di chuyển được.

Người dân mua bình chữa cháy. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Song song đó, ngành chức năng khảo sát các nguồn nước tự nhiên trên địa bàn như ao, hồ, sông, suối, kênh… để đầu tư, bố trí, xây dựng các bến, bãi, điểm lấy nước cho xe chữa cháy; lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy tại các tuyến đường trung tâm bảo đảm đủ số lượng và khoảng cách theo Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD sửa đổi 1:2023 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Đồng thời, lực lượng chức năng khảo sát xây dựng các bể nước chữa cháy hoặc lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước, trụ nước chữa cháy tại các hẻm nhỏ mà xe chữa cháy không vào được.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, về lâu dài, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường trách nhiệm trong phối hợp, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch đường giao thông phục vụ chữa cháy, hệ thống cấp nước chữa cháy, các giải pháp bảo đảm an toàn khi quy hoạch, xây dựng mới, dự án cải tạo đô thị, khu dân cư.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức xây dựng mô hình “Khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” và chọn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đăng ký, xây dựng mô hình mẫu đối với 1 khu dân cư và hoàn thành trước ngày 20/10.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố lựa chọn, đăng ký xây dựng ít nhất 1 mô hình “Khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ," phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu đông dân cư rất nguy hiểm cháy nổ. Người dân thường không quan tâm và để nhiều vật dụng dễ cháy trong nhà. Các khu dân cư ngõ hẻm, ngõ cụt không có lối thoát nạn khá nhiều, khi xảy ra cháy rất khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 9 vụ cháy; trong đó có 6 vụ xảy ra trong khu dân cư. Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng cũng gây thiệt hại về tài sản đáng kể.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do lực lượng chữa cháy tại chỗ phát hiện chậm, các điều kiện như cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa bảo đảm nên khó xử lý kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục