Ninh Thuận thiệt hại nặng, thủy điện ở Gia Lai xả lũ cường độ lớn

Lãnh đạo các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mưa lũ, ứng phó kịp thời với tình huống xấu, đảm bảo an toàn tính mạng và tải sản của người dân.
Ninh Thuận thiệt hại nặng, thủy điện ở Gia Lai xả lũ cường độ lớn ảnh 1Người dân xã Phước Nam huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) di dời đến nơi an toàn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chỉ trong khoảng 16 giờ đồng hồ (từ 0 giờ đến 15 giờ ngày 16/12), trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra mưa lớn liên tục, lượng mưa phổ biến từ 70 đến 120mm, có nơi lượng mưa từ 176 đến 182 mm đã làm cho nhiều địa phương ở tỉnh Ninh Thuận bị thiệt hại nặng.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, mưa lớn đã làm ngập lụt hơn 300 căn nhà của hộ dân ở các huyện Thuận Nam và Thuận Bắc. Tại thôn Suối Giếng, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, mưa lũ gây ngập và chia cắt với trung tâm xã.

Theo Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hường, mưa lớn đã làm lượng nước tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh tăng lên 191,38/192,03 triệu m3.

Để khắc phục sạt lở đê kè tại một số điểm xung yếu, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cấp cho huyện Ninh Phước 5.000 bao cát đắp bờ Sông Lu khu vực cầu Mỹ Nghiệp và một số vị trí khác trên địa bàn huyện; cấp 3.000 bao cát cho huyện Ninh Hải để gia cố đê Đầm Nại.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mưa lũ, ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tải sản của người dân.

Trong khi đó, ngày 15/12, mực nước trên dòng sông Ba (tỉnh Gia Lai) đã rút xuống thấp do lượng mưa ít. Hơn nữa các công trình thủy điện trên dòng sông này cũng giảm mức xả lũ đáng kể.

Các cấp chính quyền địa phương đã xúc tiến việc kiểm kê mức thiệt hại về các loại cây trồng để có kế hoạch hỗ trợ những vùng bị ngập lụt nhằm phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, đêm 15/12 đến ngày 16/12 mưa lớn lại xảy ra bất thường, các công trình thủy điện lại tiếp tục xả lũ với cường độ lớn và đã gây ra ngập lụt ở một số vùng dân cư sinh sống dọc 2 bên bờ sông Ba.

Đến trưa 16/12, tại thị xã Ayun Pa nhiều khu vực đã bị ngập sâu trong nước lũ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã, phường có nguy cơ ngập lụt gấp rút thực hiện các phương án nhằm đối phó với lũ; trước hết tiến hành di dời toàn bộ người dân đến nơi an toàn.

Tại huyện Ia Pa, 2 buôn Jứ Ma Uôk và Jứ Ma Hoét thuộc xã Ia Broăi đã bị cô lập và đang có phương án di dời toàn bộ 360 hộ dân đến nơi an toàn.

Ninh Thuận thiệt hại nặng, thủy điện ở Gia Lai xả lũ cường độ lớn ảnh 2Người dân di dời gia súc để tránh lũ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại thị xã Ayunpa và huyện Ia pa huy động các lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên tại các xã, làng túc trực liên tục để nắm tình hình lũ, huy động phương tiện, máy móc, cano sẵn sàng ứng cứu khi lũ lụt dâng lên.

Ông Hồ Văn Diện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ayun Pa, cho biết theo thông báo của thủy điện An Khê - Kanak, mức xả lũ của công trình đang tăng dần cường độ nhằm đảm bảo an toàn công trình, từ 350m3/s vào lúc 18 giờ ngày 15/12, mức xả lũ của thủy điện là 350 m3/s sẽ nâng lên 1700m3/s và theo dự kiến tăng mức xả lũ lên con số kỷ lục là 4.300m3/s vào đêm 16/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục