Ninh Thuận thay đổi phương thức thu hút đầu tư vào khu công nghiệp

Ninh Thuận đã có nhiều quyết sách để khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế và hình thành nên các khu, cụm công nghiệp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Phần mở rộng diện tích khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Phần mở rộng diện tích khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Với vị trí địạ lý thuận lợi, là trung điểm kết nối vùng tam giác phát triển kinh tế Ninh Thuận-Lâm Đồng; Ninh Thuận-Bình Thuận và Ninh Thuận-Khánh Hòa; đồng thời cùng với tiềm năng và lợi thế đặc trưng…, Ninh Thuận được các chuyên gia kinh tế đánh giá là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế đa lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp.

Trên cơ sở đó, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều quyết sách để khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế và hình thành nên các khu, cụm công nghiệp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Nhiều khu công nghiệp “rùa bò”

Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, gồm Khu công nghiệp Du Long; Khu công nghiệp Thành Hải; Khu công nghiệp Phước Nam và Khu công nghiệp Cà Ná với diện tích hơn 1.682ha.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều năm qua, sự phát triển của các khu công nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng. Đã gần hết năm 2020 nhưng nhiều khu công nghiệp của tỉnh vẫn cảnh “đất trống bỏ hoang” gây lãng phí.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, tính đến thời điểm này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã Quyết định thành lập ba khu công nghiệp là Khu công nghiệp Du Long; Khu công nghiệp Thành Hải và Khu công nghiệp Phước Nam.

Đối với Khu công nghiệp Thành Hải, đây là khu công nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước nên cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh với gần 58ha. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp này đã đạt 100%, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, đóng góp 25% ngân sách tỉnh.

Riêng hai khu công nghiệp Du Long và Phước Nam sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng, được triển khai trên quy mô khá lớn gần 800ha, được khởi công từ hơn 10 năm nay nhưng đến nay khối lượng thi công vẫn “rùa bò," vi phạm tiến độ đầu tư, vi phạm tiến độ sử dụng đất.

Cụ thể, Khu công nghiệp Phước Nam được khởi công từ tháng 10/2007 do Công ty cổ phần Đầu tư Phước Nam Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay khối lượng thi công ước đạt khoảng 30% so với quy mô dự án giai đoạn một với diện tích 153,47 ha/370ha. Khu công nghiệp chỉ thu hút được chín dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký gần 84 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy đạt 11,5%.

[Công nghiệp năng lượng là điểm sáng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận]

Với Khu công nghiệp Du Long, được thực hiện từ tháng 5/2008 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư Quốc tế Hoa Thìn Long Đức Phong làm chủ đầu tư, nhưng do không đủ năng lực triển khai nên đã gần 10 năm nay vùng đất Du Long (huyện Thuận Bắc) vẫn cảnh “vườn không, nhà trống." Dự án phải chuyển nhượng vốn chủ sở hữu cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Du Long vào tháng 9/2017 để tiếp tục thực hiện.

Mặc dù vậy, đã hơn hai năm nay khối lượng đầu tư thực hiện san nền khu công nghiệp này mới đạt khoảng 30ha/407,28ha và một đoạn nền đường dài khoảng 500m; tỷ lệ lấp đầy 0%. Lý do dự án chậm trễ được cho là vô kể; trong đó, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, cho biết đối với Khu công nghiệp Du Long, chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn ngoài ngân sách để thực hiện dự án nhưng lại thiếu năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm và quyết tâm đầu tư nên dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai. Giải pháp xử lý đó là buộc phải chuyển nhượng vốn chủ sở hữu cho một công ty khác để tiếp tục thực hiện dự án.

Xử lý vướng mắc vực dậy phát triển

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nguyên nhân dẫn đến việc các khu công nghiệp bị lấp đầy thấp một phần do vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng khó khăn; đồng thời điều kiện đảm bảo đầu tư; nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh còn thiếu và yếu. Vì lẽ đó, sức thu hút các nhà đầu tư thứ cấp chưa thật mạnh mẽ, dẫn đến việc lấp đầy đầu tư gặp khó khăn.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết đối với các khu công nghiệp do tư nhân đầu tư, cụ thể như Khu công nghiệp Phước Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng đất và cam kết của chủ đầu tư để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét trường hợp gia hạn tiến độ sử dụng đất theo quy định.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiên quyết xử lý theo quy định của Luật Đầu tư; Luật Đất đai, thu hồi và chấm dứt hoạt động dự án; đồng thời xúc tiến mời gọi nhà đầu tư khác có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đến thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu công nghiệp này.

Ninh Thuận thay đổi phương thức thu hút đầu tư vào khu công nghiệp ảnh 1Đơn vị thi công Dự án khu công nghiệp Phước Nam, huyện Thuận Nam khắc phục xói lở đất trong khu công nghiệp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Với Khu công nghiệp Du Long, sau khi tiếp nhận dự án, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Du Long đã và đang tiến hành triển khai đầu tư. Mặc dù tiến độ có chậm do chưa có hệ thống cấp nước để phục vụ triển khai dự án nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung phối hợp với chủ đầu tư giải quyết đưa nguồn nước về tận chân hàng rào khu công nghiệp. Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời khẩn trương xúc tiến kêu gọi các dự án thứ cấp vào đầu tư.

Ngoài các khu công nghiệp trên, tỉnh Ninh Thuận cũng đang hình thành Khu công nghiệp Cà Ná ở phía Nam của tỉnh với quy mô hơn 820ha. Ủy ban Nhân dân tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành có liên quan hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Trung Nam thực hiện dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn một. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh, hiện nay, đất đai của nhiều tỉnh, thành phố đã ngày một ít đi do tốc độ phát triển công nghiệp hóa. Trong khi Ninh Thuận hiện là địa phương có tiềm năng dồi dào về đất đai; đồng thời một khi giao thông (tuyến đường sắt; tuyến cao tốc Bắc-Nam; cảng biển Cà Ná) thuận lợi thì Ninh Thuận sẽ là tầm ngắm, là đích đến của các nhà đầu tư lớn.

Với điều kiện đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư qua quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ủy ban Nhân dân tỉnh cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh trong thời gian tới.

Ninh Thuận cũng đang thay đổi về phương thức tiếp cận thu hút đầu tư, tập trung giải quyết các vướng mắc, có cơ chế mới theo khung quy định để thu hút đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp cơ khí; chế tạo; sửa chữa… để phục vụ lại cho các tỉnh, thành phố lân cận theo nguyên tắc và đảm bảo cung-cầu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị các Bộ, ngành Trung ương thúc đẩy, hoàn thiện hạ tầng đối với các dự án còn dở dang; đồng thời giúp cho tỉnh tăng kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài, có tiềm lực mạnh đến tỉnh để đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là các lĩnh vực công nghiệp sạch, kinh tế biển và năng lượng tái tạo. Qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh bứt phá, góp phần đưa tỉnh trở thành địa phương có kinh tế khá của cả nước trong giai đoạn tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục