Ninh Thuận: Tháo gỡ khó khăn thi công khu neo đậu trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná

Dự án đầu tư xây khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và nông thôn tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, với tổng vốn 214 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần xây lắp Thành An 96 tập trung nạo vét thi công bờ kè Dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ diễn ra tại Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam), đặc biệt phục vụ cho tàu thuyền ra vào neo đậu an toàn trong mùa mưa bão, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang cùng với địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến dự án.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, một số vướng mắc liên quan đến việc xây lắp (đóng cọc) khi giá trị thực hiện chỉ trên 32%.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng hiện mới xét điều kiện bồi thường cho 6 hộ dân và 2 tổ chức (trên tuyến kè K3) và đang tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Tại tuyến kè K3, hiện có 22 hộ đang sử dụng lấn chiếm hơn 1 ha đất nằm trong phạm vi đất của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ và xuất khẩu quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nên khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, việc nạo vét cảng theo hình thức xã hội hóa chưa được thực hiện dẫn đến nhà thầu là Công ty cổ phần Xây lắp Thành An 96 không thể triển khai thi công phao neo, phao báo hiệu…

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Thuận Nam sớm có báo cáo phương án xử lý tái lấn chiếm của các hộ nêu trên.

Đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến kè K3.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khai thác cảng cá sớm thực hiện dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa để đồng bộ trong lắp đặt hệ thống neo đậu; hệ thống báo hiệu…

Ngư dân ở xã Cá Ná cho biết trước đây hoạt động mua bán, neo đậu tàu thuyền tại cảng rất nhếch nhác. Hai bên luồng tàu vào cảng và xung quanh cảng chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều đoạn chưa có kè bảo vệ hoặc có kè nhưng kết cấu bằng đá xây đã xuống cấp nên thường xuyên bị sạt lở, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Cảng cá hiện tại đã vượt công suất, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai. Tuyến cửa, luồng vào và vùng nước trong cảng bị bồi lấp nhiều, không đảm bảo chiều sâu và diện tích neo đậu.

Ông Lê Xuân Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 5210/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/12/2022 và được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán tại Quyết định số 136/QĐ-BQLDANNPTNT ngày 20/10/2023.

Các hạng mục công trình gồm Khu neo đậu 35ha; hệ thống neo đậu; hệ thống báo hiệu; Cảng Cà Ná kéo dài 352m và hai tuyến kè K2, K3 bảo vệ bờ dài hơn 1,2km, đảm bảo cho khoảng 1.200 chiếc tàu thuyền neo đậu.

Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 214 tỷ đồng. Trong số đó, vốn ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý là 200 tỷ đồng; ngân sách địa phương 14 tỷ đồng, thời gian thực hiện 4 năm, do Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thành An 96 và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và Dịch vụ Trường Thịnh Phát thực hiện.

Ông Lê Xuân Toàn cho hay dự án được thực hiện nhằm nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình trong phạm vi vùng nước để đảm bảo neo đậu an toàn cho khoảng 1.200 tàu có công suất đến 1.000CV; cảng cá đáp ứng yêu cầu cho 120 lượt tàu 1.000 CV đến cập cảng/ngày, lượng hàng hóa qua cảng 25.000 tấn/năm.

Đồng thời, dự án còn đảm bảo tránh trú an toàn cho tàu thuyền, người và tài sản của ngư dân hoạt động trên vùng biển của tỉnh và các tỉnh lân cận trong mùa mưa bão, kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ cho ngư dân khai thác trên biển.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu định hướng phát triển ngành thủy sản theo chuỗi sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng như yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản theo Luật Thủy sản.

Việc Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná được trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, ngư dân ở xã Cà Ná vô cùng phấn khởi khi thấy dự án được thi công và mong muốn các hộ dân có mặt bằng thu hồi cần vì lợi ích chung để dự án được khai thông và thực hiện thông suốt, góp phần đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền địa phương và toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên ngư trường khu vực lân cận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục