Ninh Thuận tập trung cứu hàng trăm hécta cây trồng bị khô hạn

Hàng trăm ha cây trồng như sầu riêng, nho, mía... của Ninh Thuận có nguy cơ chết khô lớn do thiếu nước tưới trong bối cảnh các hồ chứa nước khô hạn còn các giếng khoan thì nước nhiễm mặn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra tình hình sản xuất mía ở xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) có nguy cơ bị chết khô do thiếu nước tưới. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Do khô hạn kéo dài, lượng nước ở các hồ chứa không đảm bảo đủ tưới nên hàng trăm ha cây trồng như mía, mì, ngô và một số loại cây ăn quả như sầu riêng, nho… ở các địa phương của huyện Ninh Hải, Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đang có nguy cơ thiệt hại nặng lớn.

Tại xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), khoảng 190ha cây nho của người dân đang gặp phải khó khăn về nguồn nước tưới.

Hiện nay, do hồ Ông Kinh bị khô trơ đáy nên người dân phải đầu tư đào ao, khoan giếng tích nước tưới cầm chừng cho diện tích hoa màu, cây ăn trái.

Tuy nhiên, một số giếng khoan nguồn nước bị nhiễm mặn nên khi tưới cây trồng không phát triển, dần khô héo.

Còn tại xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn), hơn 200ha cây ăn trái của người dân tại khu vực Cầu Khỉ thuộc thôn Lâm Hòa; khu vực dọc theo Suối Gia Chiêu thuộc thôn Lâm Bình; khu vực Suối Le thuộc thôn Lâm Bình và Lâm Phú đang ngày một khô héo do thiếu nước tưới.

Toàn bộ diện tích cây trồng khu vực này đều sử dụng nguồn nước tự nhiên từ suối Gia Chiêu và các con suối nhỏ để tưới. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, mực nước các con suối bị khô nên không còn nước để tưới cho cây trồng.

Tại xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn), người dân nơi đây cũng rất thấp thỏm lo âu, bởi nắng nóng vẫn diễn ra gay gắt trong khi hơn 300ha cây mía đang phải đối mặt với chết khô vì thiếu nước để tưới.

Ngoài một số diện tích có khả năng đào ao tích nước cứu vớt, đa phần các diện tích còn lại đều sử dụng nguồn nước trời, nước được tích từ các suối nhỏ nhưng khi nắng hạn kéo dài, lượng nước không còn nữa nên khó khăn gặp phải là khó tránh khỏi.

Nhiều diện tích cây sầu riêng của người dân ở xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) bị thiếu nước tưới. (Ảnh: Công Thử/ TTXVN)

Đáng nói hơn, nhiều loại cây trồng, cây ăn trái giờ đang trong giai đoạn sinh trưởng, ra hoa, kết trái nên một khi không có nước tưới đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm...

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Lâm Sơn, những diện tích cây trồng trên sử dụng nguồn nước từ hệ thống van xả của Nhà máy thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi.

Để cứu lấy cây trồng, người dân cũng có kiến nghị nhà máy mở van thủy nông xả nước để tưới.

Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà máy thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi cũng đã có văn bản trả lời là không thể mở van xả này do đây là hệ thống van xả đáy tại hầm 3 của Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Cụ thể, van này có chức năng tháo cạn nước đáy hầm sau khi đã dừng hoàn toàn và rút cạn nước trong hầm phục vụ công tác kiểm tra, bảo dưỡng đường hầm; trong điều kiện đường hầm đang vận hành cấp nước cho các tổ máy của Nhà máy thủy điện Đa Nhim để phát điện thì van xả hầm phải luôn đóng kín để đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống công trình và thiết bị của nhà máy nên không thể thực hiện theo như kiến nghị của người dân.

Ủy ban Nhân dân xã Lâm Sơn đang có kế hoạch khảo sát để trình các cấp hỗ trợ kinh phí cho người dân ở khu vực bị thiệt hại thực hiện đào ao, kéo ống dẫn nước về tưới tạm cho cây trồng, chờ mùa mưa đến.

Đối với những khu vực ít bị ảnh hưởng, Ủy ban Nhân dân xã Lâm Sơn cũng vận động nông dân tích trữ nước, tưới tiết kiệm cho cây trồng, tránh xảy ra thiệt hại lớn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận khảo sát vườn nho ở xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) bị héo khô do tưới phải nước bị nhiễm mặn. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Sơn Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, để gỡ khó cho người dân, huyện đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh quan tâm, xem xét bố trí kinh phí đầu tư dự án đường ống nước tưới phục vụ sản xuất cây ăn quả, khắc phục hạn hán trên địa bàn xã Lâm Sơn theo phương án sử dụng máy bơm nước đặt tại cầu Nhật thuộc hạ lưu Nhà máy thủy điện Sông Pha để bơm nước qua đường ống có đường kính 200mm, dài khoảng 2,5km để dẫn nước về suối Gia Chiêu cho người dân sử dụng tưới cho cây ăn quả.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho hay trước bối cảnh khô hạn kéo dài và tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh; trong đó, chỉ đạo thực hiện các giải pháp ứng phó, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước phục vụ cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Những ngày qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã nhiều lần thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân ở các địa phương và chỉ đạo giải pháp ứng phó kịp thời với khô hạn.

Đối với khu vực trồng nho, đặc biệt là khu vực xã Vĩnh Hải, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và các đơn vị liên quan tìm giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất, đảm bảo nguồn nước tưới, bởi cây nho là cây trồng đặc thù của tỉnh, có giá trị kinh tế cao.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường ống tiếp nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (huyện Bác Ái) về hồ Ông Kinh để chủ động hơn trong công tác sử dụng, điều tiết nước tại khu vực được xem là nơi “rốn hạn” khốc liệt của tỉnh.

Hiện nay, các ngành có liên quan và chính quyền địa phương của tỉnh Ninh Thuận liên tục cập nhật thông tin, diễn biến về tình hình khô hạn để có giải pháp điều chỉnh, ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ nhằm tạo sự đồng thuận và cùng tham gia tích cực trong việc ứng phó với hạn hán như chủ động và linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước…

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, hiện nay tổng lượng nước của 23 hồ chứa do công ty quản lý chỉ còn 138,51/417,70 triệu m3 dung tích thiết kế; trong đó, đã có 2 hồ chứa cạn khô nước; 6 hồ có mực nước thấp hơn mực nước chết.

Riêng hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) lượng nước phục vụ tưới cho vùng hạ du của tỉnh thông qua nhà nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện chỉ còn hơn 80,5 triệu/165 triệu m3 dung tích thiết kế.

Đây sẽ là khó khăn cho tỉnh trong thời gian tới, bởi tình hình khô hạn dự báo còn kéo dài và sẽ tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục