Ninh Thuận: Sức sống mới của làng nghề dệt thổ cẩm cổ Mỹ Nghiệp

Mỹ Nghiệp là làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm đã có hàng trăm năm nay, bên cạnh dệt tay truyền thống, bà con kết hợp cả máy dệt vào sản xuất, cho ra đời các sản phẩm đa dạng phục vụ thị trường.
Ninh Thuận: Sức sống mới của làng nghề dệt thổ cẩm cổ Mỹ Nghiệp ảnh 1Nghệ nhân lớn tuổi người Chăm dệt vải thổ cẩm truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Liên kết cùng sản xuất, hỗ trợ nhau nâng cao tay nghề, áp dụng kỹ thuật dệt truyền thống kết hợp đưa máy móc vào sản xuất để làm nên những sản phẩm chất lượng, các mô hình dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm tại làng dệt Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đang góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm đã tồn tại hàng thế kỷ.

Giải phóng sức lao động

Giống như nhiều phụ nữ đồng bào Chăm, chị La Thị Đăng Trăng làm quen với nghề dệt thổ cẩm được mẹ truyền dạy từ năm lên 10 tuổi và biết dệt thành thạo khi ở độ tuổi Trăng tròn.

Chị Trăng chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm trước đây do người phụ nữ tự làm tất cả, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi thành phẩm, năng suất không cao. Sau đó, chị chuyển làm cho một cơ sở dệt máy bán thủ công của người thân trong làng.

"Dệt tay, cố gắng lắm thì mỗi ngày mình củng chỉ làm được 5m, dùng máy để dệt, có thể đạt 15-20m vải. Nhờ đó, thu nhập tăng lên, từ 4-6 triệu đồng/tháng tùy theo hiệu suất làm việc," chị Trăng chia sẻ.

Theo chị La Ha Ta Ma Ri, chủ một cơ sở dệt thổ cẩm trong làng Mỹ Nghiệp, khách hàng đặt nhiều, dệt bằng tay không kịp nên gia đình mua máy về dệt.

Hiện tại, xưởng có 6 công nhân thao tác 6 máy dệt. Năng suất dệt trung bình của mỗi người là 35m vải/ngày.

Dệt bằng máy vẫn giữ được nhiều hoa văn của thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, những sản phẩm với mẫu hoa văn tinh xảo chỉ thực hiện được bằng tay, gia đình vẫn duy trì cả khung dệt gỗ.

Với chất lượng và mẫu mã, màu sắc phong phú, đa dạng, sản phẩm thổ cẩm của cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng.

Với sự năng động, nhạy bén, tay nghề cao, chị Bình Thị Khoen đầu tư 12 máy dệt bán thủ công để sản xuất, thu hút được nhiều phụ nữ người Chăm trong làng làm nghề.

Nói về sự thay đổi từ khi dệt máy, chị Khoen cho hay, trước đây, để làm ra một tấm vải hoàn thiện có bề ngang 70cm, dài 200cm, người thợ dệt phải mất hai ngày mới xong; nay dệt bằng máy chỉ trong vòng một ngày có thể dệt được 20m thổ cẩm thô. Người thợ chỉ cần móc sợi, tạo hình hoa văn và bấm nút khởi động để máy dệt hoạt động.

Cơ sở của chị Khoen vừa sản xuất thổ cẩm truyền thống của người Chăm, vừa sản xuất các sản phẩm thổ cẩm bán cho đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lắk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng...

Ninh Thuận: Sức sống mới của làng nghề dệt thổ cẩm cổ Mỹ Nghiệp ảnh 2Chị La Ha Ta Ma Ri ở làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) đầu tư máy dệt để nâng cao hiệu quả sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cơ sở đẩy mạnh thiết kế, dệt, may ráp sản phẩm giúp số lượng tăng gấp nhiều lần, đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Để cạnh tranh với vải thổ cẩm sản xuất công nghiệp trên thị trường, cơ sở thường xuyên nghiên cứu, thu thập, bổ sung các mẫu hoa văn, màu sắc khác nhau để phù hợp với từng đối tượng khác hàng, văn hóa vùng miền.

Ông Trượng Lắc, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố Mỹ Nghiệp cho biết chuyển sang dệt bằng máy, người thợ vẫn giữ gìn, đưa vào sản phẩm những hoa văn của người Chăm.

[Bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar]

Mỹ Nghiệp hiện có trên 440 hộ với trên 2.110 khẩu (đồng bào Chăm chiếm trên 90%), tận dụng được lợi thế về năng suất nên đến nay có 15 hộ áp dụng máy dệt vào sản xuất thổ cẩm, hộ ít có 4-5 máy, hộ nhiều nhất có trên chục máy, tạo được việc làm cho nhiều lao động là phụ nữ.

Sản phẩm của các cơ sở dệt máy sản xuất khá đa dạng từ tấm vải thô cho đến nhiều loại trang phục, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường, túi xách, tấm mền, thảm...

Phát triển nghề bền vững

Theo các nhà nghiên cứu, trải qua bao đời nay, vải thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Chăm, là biểu tượng văn hóa của cộng đồng dân tộc.

Hoa văn trong thổ cẩm không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn phản chiếu đặc trưng sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo của người Chăm, thông qua hoa văn có thể phân biệt giới tính, giai cấp, địa vị xã hội, chức sắc tôn giáo… Vì vậy, hoa văn là thành tố quan trọng cần phải giữ gìn để bảo tồn và phát triển nghề dệt độc đáo của đồng bào Chăm.

Thực tế cho thấy các cơ sở dệt đầu tư máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, khi chuyển sang dệt máy, các cơ sở chủ yếu sản xuất những nhóm hoa văn phổ biến như hình hoa lá, hình quả trám hay các họa tiết hình học đối xứng làm viền trang trí cho các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống thường nhật hoặc sản xuất những mẫu hoa văn theo yêu cầu của các đối tác đặt hàng.

Ninh Thuận: Sức sống mới của làng nghề dệt thổ cẩm cổ Mỹ Nghiệp ảnh 3Trang phục truyền thống của các vị chức sắc đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Trong khi đó, những mẫu hoa văn có cấu trúc phức tạp như rồng, chim trạo, thần Shiva… không sản xuất thường xuyên mà chỉ có vào dịp những ngày lễ lớn, cưới hỏi, tang chế, lễ thăng chức…

Các nghệ nhân người Chăm phải rất kỳ công mới có thể khôi phục, sản xuất lại được. Nếu không có giải pháp bảo tồn, những mẫu hoa văn quý giá này có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm mất đi những nét đặc trưng, tiêu biểu.

Sự khác biệt về năng suất, giá cả, chất lượng sản phẩm, giữa bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống khiến những người có trách nhiệm ở làng dệt Mỹ Nghiệp trăn trở.

Ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho biết hợp tác xã hiện có 70 thành viên tham gia liên kết sản xuất thổ cẩm thủ công truyền thống. Dệt hoàn toàn bằng tay, độ chặt, mềm, tinh xảo của mỗi sản phẩm đều theo ý muốn và sự sáng tạo của nghệ nhân.

Nghề dệt thủ công hoàn toàn bằng tay nên sản phẩm làm ra tốn nhiều thời gian hơn, giá vì thế khó cạnh tranh với các sản phẩm dệt bằng máy. Đây là bài toán khó đặt ra đối với hợp tác xã bởi năng suất lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người thợ gắn bó với nghề.

Ông Phú Văn Ngòi lấy ví dụ, một tấm khăn dệt bằng tay cùng kích thước bán với giá thấp nhất 120.000 đồng, sản phẩm dệt bằng máy chỉ bán với giá 80.000 đồng. Chất liệu để sản xuất hai chiếc khăn khác nhau hẳn, vì máy không thể dệt những loại tơ mềm dành cho khung dệt gỗ do dễ đứt mà cần sử dụng loại tơ có chất nylon chắc hơn để dập. Những hoa văn tinh xảo chỉ có người thợ dệt bằng tay mới làm được.

"Hợp tác xã được Nhà nước đầu tư để phát triển không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mang lại mà còn với mục đích bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Chăm. Vì vậy, Hợp tác xã đang hướng đến sản xuất các dòng sản phẩm thổ cẩm phục vụ cho đối tượng khách hàng là người Chăm sử dụng trong các dịp lễ, Tết, tôn giáo, tín ngưỡng và những khách hàng quan tâm, yêu thích thổ cẩm truyền thống của người Chăm với những hoa văn độc đáo, khác biệt với các dân tộc khác. Tùy theo mẫu mã, chủng loại, chất liệu mà mỗi sản phẩm của hợp tác xã có giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng," ông Phú Văn Ngòi chia sẻ.

Hiện nay, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, để bảo vệ thương hiệu, uy tín cho sản phẩm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, toàn bộ các sản phẩm đều được dán "Tem điện tử thông minh" quét mã QR code trên điện thoại để truy xuất toàn bộ thông tin xuất xứ, mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng, giá cả tham khảo, hướng dẫn bảo quản sản phẩm thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh, video. Cách làm này giúp khách hàng yên tâm trong quá trình lựa chọn, mua sắm.

Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, nhằm bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030.

Đối với các làng đã có nghề, tỉnh sẽ tập trung bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.

Đối với làng dệt Mỹ Nghiệp, tỉnh có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm như đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, hệ thống đường giao thông, xây dựng hợp tác xã, nhà sản xuất trưng bày, khôi phục hoa văn cổ, mở các lớp truyền dạy nghề, phát triển du lịch tham quan làng nghề.

Các cơ sở, doanh nghiệp tại làng dệt Mỹ Nghiệp đầu tư máy dệt để phát triển sản xuất là một xu thế tất yếu. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện để định hướng phát triển làng nghề có tính ổn định và bền vững; nghiên cứu quy hoạch khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp để đưa các cơ sở dệt máy vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường; tiếp tục tạo điều kiện để các hộ, hợp tác xã trong làng nghề sản xuất sản phẩm thổ cẩm truyền thống ngày càng phát triển.

Song song với đó, tỉnh cần có giải pháp quản lý, bảo vệ hữu hiệu thương hiệu thổ cẩm để không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa nghề dệt truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục