Ninh Thuận được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển. Ninh Thuận đặt mục tiêu xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại.
Kinh tế biển - động lực phát triển kinh tế
Ninh Thuận là tỉnh ven biển có đặc thù riêng so với cả nước, với bờ biển dài hơn 105 km và vùng lãnh hải 18.000 km2, là trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, cùng với thời tiết khí hậu nắng ấm quanh năm, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Để biến những tiềm năng này thành lợi thế phát triển, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII-Đại hội đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển. Các kỳ Đại hội sau này, Ninh Thuận đều xác định phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh.
Đến Đại hội tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020), tư duy mới về phát triển kinh tế biển được nâng lên và khẳng định kinh tế biển là động lực, mà trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, phát triển du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành kịp thời nhiều Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo triển khai phát triển kinh tế biển. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển của Đảng bằng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hàng năm để tổ chức thực hiện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng.
Những chuyển biến quan trọng
Sau 25 năm tái lập, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, kinh tế biển đã có những chuyển biến quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng khá, tăng bình quân 13,1%/năm.
- Về khai thác: Nếu như năm 1992 chỉ có 1.022 chiếc/15.900 CV, đến nay, toàn tỉnh có 2.611 chiếc/300.465 CV, tăng gấp 7,4 lần. Nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển khơi, đến nay đã có hàng chục tàu thuyền có công suất trên 700 CV, có tàu trên 950 CV. Sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh, từ 12.650 tấn năm 1992 lên 83.800 tấn năm 2016, tăng gấp 6,6 lần, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
- Về nuôi trồng thủy, hải sản: Kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy, hải sản được quan tâm đầu tư; diện tích nuôi trồng liên tục tăng từ 422 ha năm 1992 lên 1.067 ha năm 2016; sản lượng nuôi trồng thủy sản từ 633 tấn năm 1992 tăng lên 8.120 tấn năm 2016, tăng 12,8 lần.
Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống quy mô lớn đạt kết quả tích cực. Nếu như năm 1992, chỉ có một số cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, sản lượng 100 triệu con giống/năm, đến năm 2016 đã có trên 350 cơ sở doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động, sản lượng năm 2016 đạt 21,9 tỷ con giống, tăng gấp 219 lần so với năm 1992. Hàng năm cung ứng 20-25% sản lượng sản xuất của cả nước và tiếp tục giữ vững vị trí là trung tâm giống lớn nhất của cả nước.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng bến cá khi mới tái lập tỉnh hầu như chưa có gì, luồng lạch, cửa biển thường xuyên bị bồi lấp, rất khó khăn cho tàu thuyền đi lại, neo đậu, nhất là trong mùa mưa bão.
Năm 1994, đã khởi công xây dựng cảng cá đầu tiên của tỉnh - cảng cá Đông Hải, có cầu tàu dài 265m, với tổng vốn đầu tư 36,4 tỷ đồng; năm 1996 đầu tư cảng cá Cà Ná, cầu tàu dài 200 m, vốn đầu tư 22,11 tỷ đồng; năm 1999 tiếp tục đầu tư cảng cá Ninh Chữ dài 120m với tổng vốn đầu tư 44,26 tỷ đồng và đến năm 2001 đầu tư bến cá Mỹ Tân, 8,1 tỷ đồng. Đến nay các cảng cá, bến cá đã phát huy hiệu quả tích cực, hàng năm có hơn 21 nghìn lượt tàu thuyền cập cảng và trên 21 nghìn tấn hàng hóa qua cảng.
Dịch vụ hầu cần nghề cá từng bước được nâng cao, hiện có 172 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các cảng cá (Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ), gồm: 13 cửa hàng xăng dầu, 9 cơ sở sản xuất đá lạnh, 40 cơ sở cơ khí sửa chữa tàu thuyền, 46 cơ sở thu mua hải sản, 30 cơ sở chế biến hải sản, 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ cung cấp thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu khác và 5 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ.
- Về du lịch biển: Với lợi thế bờ biển dài, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp và các hệ sinh thái biển phong phú và đa dạng, du lịch biển Ninh Thuận đã có bước phát triển đáng kể.
Năm 2016, Ninh Thuận đã thu hút trên 1,7 triệu lượt khách, tăng gấp 45,6 lần so năm 1995, tốc độ tăng bình quân 19,9%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 55 nghìn lượt khách, tăng 17,2 lần so với năm 1995.
Cùng với sự tăng nhanh về du khách, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch biển cũng không ngừng tăng lên.
Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 108 cơ sở lưu trú, với tổng số 2.250 phòng; công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2016, có 37 dự án du lịch được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 9.943 tỷ đồng, đã có 17 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 2.753,6 tỷ đồng.
- Về công nghiệp biển và ven biển: Công nghiệp biển có chuyển biến tích cực, thu hút các thành phần kinh tế tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về biển để phát triển công nghiệp, như: công nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất chế biến muối, rong sụn, xi măng, đá granite, titan...
Tính đến cuối năm 2016, có 51 dự án công nghiệp biển được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 23.824,2 tỷ đồng, có 27 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.791 tỷ đồng, chiếm 53% tổng số dự án, trong đó một số dự án có quy mô lớn.
Tổng sản lượng hải sản chế biến xuất khẩu năm 2016 đạt 7.141 tấn, tăng gấp 10,3 lần so năm 1992; giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2016 đạt 3.214 tỷ đồng, tăng 23,3 lần so năm 1992, trong đó công nghiệp biển chiếm 53,2% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, những năm gần đây năng lượng tái tạo khu vực ven biển được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có nhiều dự án điện gió được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đang khảo sát nhiều dự án điện Mặt Trời.
Có thể nói, sự phát triển của các ngành kinh tế biển đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo diện mạo mới, giải quyết việc làm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển./.