Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều bãi biển đẹp như Bình Sơn-Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Bình Tiên, Cà Ná... thuận lợi để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển do rác thải là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của ngành du lịch trong một thời gian dài.
Trước thực trạng đó, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để làm sạch môi trường biển nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phát huy tiềm năng và thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng.
Bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong những khu du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận. Cách đây hơn một năm, nơi đây rơi vào tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường bởi rác thải tràn ngập.
Rác do người dân địa phương và khách du lịch đến tắm biển, ăn uống xả ra ngay trên bãi biển hoặc từ các hàng quán buôn bán trên bãi biển để lại và từ các khu dân cư sinh sống ven bờ biển thải ra bị sóng biển đánh trôi dạt vào bờ.
Ngoài ra, hàng chục lồng bè nuôi tôm hùm cách bờ biển khoảng hơn 200m, hàng ngày thải rác sinh hoạt cũng như các chất cặn bã từ thức ăn nuôi tôm xuống biển khiến môi trường nước biển bị ô nhiễm nặng nề.
Tương tự, các bãi biển khác như Vịnh Vĩnh Hy, Cà Ná cũng chịu chung số phận. Điều đó đã khiến du khách và chính người dân địa phương cảm thấy e ngại khi đến đây tắm biển, du lịch, nghỉ dưỡng.
Trước thực trạng đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp,” đầu tư triển khai nhiều biện pháp nhằm làm sạch môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cho biết để cải thiện môi trường tại khu du lịch biển Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố đã lắp đặt hơn 100 thùng rác dọc bờ biển cùng các khẩu hiệu tuyên truyền giúp người dân có chỗ bỏ rác thuận tiện. Đồng thời, tiến hành ký kết hợp đồng và giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương mại và Sản xuất Nam Thành (Công ty Nam Thành) thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu vực bãi biển.
Ngoài việc bố trí lực lượng thu gom rác thải ở khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ, từ tháng 8/2013, Công ty Nam Thành đã đưa vào hoạt động xe gom rác bãi biển.
Ông Hảo cho hay: "Từ khi đi vào hoạt động, mỗi ngày hàng chục tấn rác thải trên biển đã được thu gom. Xe thu gom rác hoạt động hiệu quả đã góp phần giảm đáng kể nhân lực cho việc thu gom rác biển so với trước đây. Ngoài ra, thành phố còn cho canô chạy vớt rác ở trên mặt nước biển đưa vào tập kết, thu gom đưa đi xử lý; vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch dọc bờ biển hỗ trợ làm vệ sinh môi trường tại khu vực do đơn vị quản lý."
Cùng với việc tổ chức thu gom xử lý rác thải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cũng tăng cường quản lý việc buôn bán hàng rong trên bãi biển. Theo đó, thành phố tiến hành sắp xếp lại vị trí cho các hộ kinh doanh buôn bán dọc bờ biển, yêu cầu các hộ phải kinh doanh đúng địa điểm, thời gian và phải đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực mình buôn bán, đồng thời, tiến hành xử lý triệt để tình trạng nuôi tôm hùm trên biển của các hộ dân bằng cách di dời các lồng, bè nuôi tôm hùm ra các vị trí quy hoạch, trả lại cho biển Bình Sơn - Ninh Chữ vẻ đẹp vốn có của nó. Ngoài ra, đội quản lý trật tự đô thị tiếp tục tăng cường công tác tuần tra nhằm ngăn chặn xử lý kịp thời, tránh tình trạng tái phạm trong việc nuôi tôm lồng, bè và thả bông lưới giũ bắt tôm hùm con tại khu vực bãi tắm Bình Sơn-Ninh Chữ.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hảo, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường biển, nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là ý thức của người dân và du khách khi đến với biển. Vì vậy, thành phố đã huy động các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc để thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân thông qua các đợt ra quân thu gom rác thải tại các bờ biển.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, việc thu gom rác thải không chỉ được thực hiện ở một hay hai bãi biển có đông du khách mà những hoạt động về môi trường biển đã diễn ra ở hầu hết các vùng biển trong tỉnh như Mỹ Tân, Cà Ná, Phước Diêm, Vĩnh Hy.
Bước đầu những hoạt động này đã có tác động tích cực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động thu gom rác tập trung còn được tăng cường triển khai tại các khu dân cư ven biển nhằm hạn chế tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, tại phường Đông Hải, một trong những khu dân cư ven biển thuộc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, nhờ đó vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn đã được cải thiện rõ rệt.
Nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, các bãi biển ở Ninh Thuận đã trở nên sạch sẽ, trong lành hơn, môi trường du lịch được cải thiện đáng kể. Hiện nay, đa số người dân địa phương và du khách khi đến với biển Bình Sơn-Ninh Chữ đều cảm nhận đây là bãi biển sạch, đẹp, thân thiện, vì thế lượng khách du lịch đến với tỉnh ngày càng đông hơn. Ý thức của người dân cũng được cải thiện rõ rệt, việc bỏ rác không đúng nơi quy định đã giảm hẳn.
“Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục huy động cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc để vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là môi trường biển; tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường; tăng cường thiết bị và tần suất thu gom rác ở bãi biển; giao cho các phường ven biển thành lập tổ công tác để giám sát, kiểm tra các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường,” ông Hảo cho biết thêm./.