Ninh Thuận: Nhiều cây xăng hết hàng, mỗi lần chỉ được mua 30.000 đồng

Tại Cửa hàng xăng dầu Tấn Tài ở Ninh Thuận, rất đông người dân chen chúc chờ đợi để đến lượt đổ xăng nhưng mỗi người chỉ được mua xăng với hạn mức tối đa 30.000 đồng/lần đối với xe máy.
Người dân xếp hàng chờ đổ xăng với hạn mức đổ tối đa 30.000 đồng/lần tại cửa hàng xăng dầu Tấn Tài (phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngày 10/10, nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận treo bảng hết xăng, tạm ngừng chờ nhập hàng hoặc bán cầm chừng khiến người dân phải mua xăng theo hạn mức và phải đi đổ nhiều nơi mới đầy bình.

Tình trạng trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Cửa hàng xăng dầu Tấn Tài (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ và thương mại xăng dầu Phát Phú Mỹ-Ninh Thuận, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) vào sáng 10/10, rất đông người dân chen chúc chờ đợi để đến lượt đổ xăng.

Lượng khách đông nên mỗi người chỉ được mua xăng với hạn mức tối đa 30.000 đồng/lần đối với xe máy.

Xếp hàng dài chờ đợi đến lượt đổ xăng, anh Nguyễn Văn Tính (ngụ phường Tấn Tài) cho hay anh đã phải đi qua ba cây xăng thì đến đây mới đổ được 30.000 đồng. 

Bà Nguyễn Thị Kim Lài, chủ cửa hàng xăng dầu Tấn Tài cho hay: "Cửa hàng nhập xăng lần cuối vào thứ Bảy, một số cây xăng trên địa bàn hết hàng nên người dân từ các phường khác dồn về đây, chúng tôi phải đổ hàng ra bán nên lượng xăng cạn mau. Lúc 3 giờ sáng thì bán cho mỗi người được 50.000 đồng còn giờ cạn bồn thì chỉ bán được mỗi người 30.000 đồng/lần để có xăng chạy xe. Nhà phân phối cũng không có hàng. Tính điền điện, tiền sân bãi, tiền công, tiền lãi ngân hàng thì cửa hàng bị lỗ khoảng 2.000 đồng/lít xăng."

Ông Lê Văn Bá, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Trí - cửa hàng kinh doanh xăng dầu Ngọc Hùng ở phường Tấn Tài cho hay: "Cửa hàng treo bảng hết xăng từ ngày 9/10, bây giờ phải đợi nhà phân phối cung cấp thì mới có xăng bán lại. Theo quy định, mỗi cửa hàng chỉ đăng ký mua của một đầu mối cung cấp xăng dầu mà đầu mối không cung cấp thì cửa hàng phải tạm ngừng, khi nào có hàng mới bán lại."

Đến thời điểm này, Sở Công Thương Ninh Thuận nhận được 13 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

11 doanh nghiệp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Thuận Phát; Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Mỹ Thuận Phát; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Phát Thuận; Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Đạo Long; Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng số 18 Ninh Thuận; Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất tổng hợp An Phương; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Trí; Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng quốc tế Ninh Thuận; Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng Sơn Long Thuận; Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Toàn; Doanh nghiệp tư nhân Minh Ái đề nghị ngừng bán hàng với lý do chiết khấu thấp hoặc không chiết khấu, đơn vị cung cấp không có nguồn hàng để cung cấp.

Một doanh nghiệp là Công ty cổ phần kinh doanh tổng hợp Ninh Thuận, thương nhân phân phối với hệ thống 6 cửa hàng trực thuộc và 20 cửa hàng thuộc hệ thống đại lý với lý do không đủ nguồn cung từ thương nhân đầu mối.

Một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Nhân tạm ngừng mặt hàng xăng RON 95 để kiểm tra, xử lý hao hụt trong kinh doanh.

Qua nắm bắt tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xăng dầu Dương Đông-Miền Trung, Công ty xăng dầu Quân đội khu vực 3 đang hoạt động với việc thiếu cục bộ nguồn xăng hoặc dầu.

[Nhiều cây xăng ở An Giang ngừng hoạt động hoặc chỉ bán theo hạn mức]

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết Sở đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức họp với sự tham dự của các doanh nghiệp thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối đóng trên địa bàn tỉnh, thương nhân phân phối, thương nhân tổng đại lý, thương nhân đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm đảm bảo tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu lên một số khó khăn như chiết khấu từ đơn vị cung cấp xăng dầu quá thấp hoặc không có chiết khấu, đại lý kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chi phí để tiếp tục hoạt động; nguồn cung từ thương nhân cung cấp xăng dầu (chủ yếu từ thương nhận thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối) nhỏ giọt, đặc biệt là vào những thời điểm của chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính-Bộ Công Thương.

Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị các đơn vị tăng mức chiết khấu đạt ít nhất 1.000 đồng/lít để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu của đại lý bán lẻ xăng dầu; đảm bảo nguồn cung xăng dầu để phục vụ nhu cầu của thị trường và có giải pháp giảm lãi suất cho vay, giảm thuế ít nhất 1 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bù khoản lỗ trong thời gian qua.

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Ngọc Hùng (phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) treo bảng thông báo hết xăng. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ông Trần Quốc Sanh cho biết Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh ghi nhận những khó khăn của các đại lý bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, Sở đề nghị các doanh nghiệp thuộc hệ thống thương nhân đầu mối trên địa bàn tỉnh chia sẻ nguồn cung hợp lý cho các đơn vị nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.

Sở sẽ báo cáo những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những nội dung vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Cùng với đó, Sở đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh bổ sung quy định cho thương nhân bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ với hai thương nhân phân phối xăng dầu. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân bán lẻ chủ động khai thác nguồn cung, không bị phụ thuộc chỉ vào một thương nhân phân phối như theo quy định hiện nay.

Sở kiến nghị Bộ Công Thương sớm xem xét, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cùng chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng, có tỷ lệ chiết khấu hợp lý đối các đơn vị bán lẻ.

Đồng thời, Sở kiến nghị cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, giảm thuế ít nhất 1 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bù khoản lỗ trong thời gian qua.

Thời gian tới, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt Ban chỉ đạo 389 của tỉnh) sẽ chủ trì, phối hợp với với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý trường hợp vi phạm tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để đảm bảo ổn định thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục