Ninh Thuận: Nhà vườn tất bật thu hoạch nha đam sau đợt ngập

Mưa lớn liên tục khiến trên 153ha cây trồng, trong đó trên 57ha cây nha đam - cây trồng chủ lực ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, bị ngập úng, gây thiệt hại nặng cho người trồng.
Ninh Thuận: Nhà vườn tất bật thu hoạch nha đam sau đợt ngập ảnh 1Thu mua nha đam cho bà con nông dân ngay tại chân ruộng. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Mặc dù tại Ninh Thuận đã hết mưa, trời nắng nhưng một số địa phương vùng trũng thấp vẫn đối mặt với tình trạng ngập úng.

Tại vùng trồng nha đam tập trung ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, nhiều hộ dân vẫn đang dùng máy bơm hút nước liên tục để cứu diện tích cây nha đam và các loại cây rau màu bị ngâm nước dài ngày.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường Văn Hải, từ giữa tháng 11 đến cuối tuần qua có nhiều ngày mưa lớn liên tục đã khiến trên 153ha cây trồng bị ngập úng, với 472 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, nha đam là cây trồng chủ lực thì có tới 57,2ha (toàn phường có tổng cộng 83ha nha đam) của 151 hộ dân và gần 80ha rau, quả, tỏi của 259 hộ bị ngập nặng, thiệt hại 100%.

Trong quá trình ngập, Ủy ban Nhân dân phường Văn Hải thành lập các tổ công tác xuống địa bàn cùng bà con nông dân huy động 20 máy bơm hút nước liên tục.

Sau nhiều ngày có một số diện tích đã rút nước nhưng do ngập úng lâu ngày nên cây trồng không khôi phục được. Hiện phường đang tiếp tục dùng máy bơm hút nước trên các khu vực ngập úng để nhân dân tái sản xuất.

Ông Trương Quang Thụy (khu phố 2, phường Văn Hải) cho biết nhà ông trồng 2 sào nha đam (2.000m2) mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 11 đến những ngày vừa qua khiến vườn nha đam bị ngập úng, cây bị thối rễ gây thiệt hại 100%.

[Nha đam Ninh Thuận hút hàng mùa nắng nóng, giá tăng gấp đôi]

Các hộ trong khu vực đang huy động máy bơm bơm thoát nước, đối với những ruộng nha đam cùng rau màu ngâm nước lâu ngày chỉ còn cách nhổ bỏ. Sau khi nước nước rút, gia đình sẽ tranh thủ cải tạo đất để sớm xuống giống trở lại.

Cách đó không xa, ruộng nha đam hơn 3 sào (3.000m2) của gia đình ông Dương Tây cũng bị ngập nặng. Nhờ huy động được máy bơm hút nước kịp thời nên diện tích nha đam bị thiệt hại khoảng 30%.

Ông Tây cho biết gia đình thuê nhân công nhổ những cây nha đam bị thối, còn cây khỏe thì vận chuyển tới vùng gò ruộng cao hơn để trồng; đồng thời, khơi thông các rãnh trồng tạo điều kiện để ruộng thoát nước, tránh ngập úng gây thối rễ làm cho cây nha đam chết hàng loạt.

Ở những chân ruộng cao, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhiều hộ trồng nha đam đang khẩn trương thu hoạch bán cho các công ty, thương lái. Ông Mai Hùng ở khu phố 11, phường Văn Hải chia sẻ mưa lớn kéo dài khiến vườn nha đam giảm năng suất khoảng 10%.

Đợt này vườn nha đam rộng 2,3 sào (2.300m2) cho thu hoạch khoảng 15 tấn bẹ, công ty tới tận ruộng thu mua với giá 1.700 đồng/kg, cho doanh thu trên 25 triệu đồng. Gia đình đang tiếp tục chăm sóc cho cây nha đam phục hồi phát triển để cắt bán bẹ vào dịp gần Tết.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 350ha nha đam. Đây là loại cây trồng được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Các hộ trồng cho biết, hiện các công ty ký hợp đồng thu mua bẹ giá giao động từ 1.700-1.800 đồng/kg.

Đối với bẹ nha đam đã tuyển lựa hàng to được các thương lái thu mua với giá 2.300-2.400 đồng/kg. Người trồng hy vọng giá cả và thời tiết ổn định để thu hoạch sản phẩm có nguồn kinh phí trang trải và tái đầu tư cho vụ mới.

Nha đam là cây ưa nắng, thích hợp trồng trên đất pha cát, nếu chăm sóc tốt một sào nha đam có thể cho năng suất 7 tấn/đợt thu, có thể thu hoạch từ 10 đến 11 đợt/năm.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương rà soát, sẵn sàng biện pháp tiêu úng khu vực trũng thấp, khu dân cư, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp, kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ...

Đặc biệt, chú trọng thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi và khôi phục sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Đồng thời, ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ, thiên tai; trường hợp cần thiết tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất cơ quan Trung ương hỗ trợ giống cây trồng, kinh phí khắc phục thiệt hại do mưa lũ, thiên tai gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục