Hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa mang lại lợi ích đối với sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của thế giới, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều mô hình canh tác hữu cơ đối với một số cây trồng; trong đó, có cây lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, từng bước mở hướng nhân rộng.
Tại Xuân Hải (huyện Ninh Hải), ngay trong vụ Hè Thu vừa qua, mô hình sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu được người nông dân nơi đây xuống giống (giống lúa Q5) với diện tích 1,7ha.
Nhờ áp dụng tốt quy trình “1 phải, 5 giảm,” lúa phát triển khỏe, tăng khả năng quang hợp, tăng số nhánh hữu hiệu, hạn chế tốt sâu bệnh. Việc áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ không những giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư, mà năng suất lúa còn đạt khá cao so với sản xuất đơn thuần như trước đây.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, với việc sự dụng giống lúa mới, sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Hải, năng suất lúa thu hoạch trong vụ Hè Thu vừa qua đạt trên 7 tấn/ha, cao hơn hẳn so với các địa phương khác (năng suất chỉ đạt từ 6,2-6,5 tấn/ha).
[Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam: Xây dựng chiến lược dài hạn]
Ông Phan Minh Hòa, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ninh Hải, chia sẻ mục tiêu của mô hình là nhằm hướng cho nông dân áp dụng canh tác hữu cơ, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn; đồng thời bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên địch có lợi cho đồng ruộng, chống đổ ngã cây lúa khi gặp thời tiết bất lợi.
Theo ông Phan Minh Hòa, thực tế đã chứng minh rõ sức chống chịu hiệu quả của cây lúa trồng hữu cơ trước thời tiết khắc nghiệt, đơn cử trong những ngày giữa tháng 8 vừa qua có mưa liên tục, gió xoáy làm đổ ngã 80% vùng lúa trồng xung quanh nhưng lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ không bị thiệt hại gì. Về sản xuất lúa hữu cơ, đáng chú ý là chi phí đầu tư thấp hơn so với sản xuất lúa thường.
Nếu trước kia trên mỗi sào lúa thường phải gieo trung bình 25kg giống/sào, nay lúa hữu cơ giảm còn 12kg giống. Giá bán cũng chênh lệch, nếu lúa thường là 7.000 đồng/kg (lúa khô), lúa hữu cơ bán 7.500 đồng/kg, được doanh nghiệp bao tiêu thu mua toàn bộ tại chân ruộng khi thu hoạch.
Từ thành công của mô hình tại xã Xuân Hải, qua hội thảo đầu bờ, nông dân địa phương đã hưởng ứng đăng ký mua giống lúa xác nhận để thực hiện canh tác hữu cơ với diện tích 10 ha trong vụ Mùa này.
Ông Đạo Thanh Trận ở thôn An Nhơn (xã Xuân Hải) cho biết thấy được hiệu quả mang lại từ sản xuất hữu cơ, vụ Mùa này gia đình cũng đã chuẩn bị làm đất, chỉ còn chờ nhận phân, giống và hỗ trợ kỹ thuật là tiến hành gieo sạ theo hướng hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, các mô hình sản xuất lúa hữu cơ áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” bước đầu cho kết quả rất khả quan, có thể thấy rõ nhất là mô hình đã và đang tiếp tục được triển khai tại xã Xuân Hải.
Không chỉ ở ở xã Xuân Hải, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn được triển khai tại xã Phước Hà (huyện Thuận Nam), với quy mô gần 1 ha được thu hoạch mới đây cũng cho đánh giá tương tự. Qua theo dõi và đánh giá thực tế của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, mô hình cũng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí về vật tư nông nghiệp; đặc biệt giảm chi phí đầu tư về phân bón cho các vụ sản xuất tiếp theo.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận) cho hay việc thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao được giá trị nông sản.
Đặc biệt, mô hình còn giúp nông dân thay đổi nhận thức, phương thức canh tác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, với kết quả bước đầu mang lại, mô hình sản xuất lúa hữu cơ áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” sẽ tiếp tục được ngành nông nghiệp của tỉnh mở hướng nhân rộng.
Ngành nông nghiệp sẽ chuyển giao quy trình công nghệ cho thêm nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh canh tác; đồng thời tổ chức hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất lúa hữu cơ để có sự hỗ trợ, thu mua lúa sau thu hoạch một cách bài bản, đúng giá cam kết ban đầu.
Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, vào năm 2025 diện tích đất trồng trọt hữu cơ sẽ đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt và đạt khoảng 1,5-2% vào năm 2030, với các cây trồng lúa; ngô; điều; măng tây; nha đam; cây ăn trái; rau củ quả các loại... Qua đó từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, chuỗi liên kết cung-cầu.
Riêng với sản xuất lúa hữu cơ, tỉnh Ninh Thuận định hướng năm 2025 đạt diện tích gieo trồng khoảng 200ha và năm 2030 là khoảng 430ha, tập trung tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Có thể nói mô hình sản xuất lúa hữu cơ được xem là bước chuyển dịch tích cực trong sản xuất, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Ninh Thuận; qua đó góp phần tạo bệ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới./.