Ninh Thuận: Giải quyết vướng mắc, sớm đưa dự án trọng điểm vào sử dụng

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác kiểm tra khu vực tiếp nước từ hồ Tân Mỹ xuống hồ Cho Mo tại huyện Ninh Sơn. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 7/7, tại Ninh Thuận, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, đã đi thị sát, kiểm tra thi công các công trình, dự án trọng điểm tại Ninh Thuận như dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ ở xã Phước Hòa (huyện Bác Ái); khu tiếp nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ xuống hồ Cho Mo và công trình hồ chứa nước Sông Than ở xã Mỹ Sơn và Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn).

Cùng đi với đoàn có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.  

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, khẳng định đây là những công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp bách, mang tính chiến lược, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển.

Ông Vĩnh cho biết đối với dự án hồ thủy lợi Tân Mỹ, đây là dự án lớn đa mục tiêu, có nhiệm vụ tưới trực tiếp cho hơn 7.400 ha đất canh tác; đồng thời tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh-Lâm Cấm để đảm bảo tưới đủ diện tích 12.800 ha vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Bên cạnh đó, dự án tạo nguồn và tiếp nước cho các hồ khác, phục vụ cả sản xuất, chăn nuôi và tạo dung tích trong hồ Sông Cái cho thủy điện tích năng Bác Ái hoạt động. Ngoài ra, dự án còn có nhiệm vụ kép đó là kết hợp phát điện sau khi thảo mãn các yêu cầu cấp nước và giảm nhẹ lũ cho vùng hạ lưu…

Hồ chứa nước Sông Than là công trình cấp 2, có dung tích chứa khoảng 85 triệu m3 nước, với tổng vốn đầu tư 855 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020.

Dự kiến, cuối năm 2020, công trình hoàn thành, sẽ cung cấp nước sản xuất ổn định cho 400 ha và nước sinh hoạt cho hơn 20 nghìn hộ dân, đồng thời điều tiết nước, phục vụ nhu cầu tưới nước, sản xuất, sinh hoạt cho nhiều xã thuộc khu vực phía Nam của tỉnh; qua đó để khắc phục và ứng phó với tình trạng khô hạn xảy ra hằng năm.

Ngoài ra, dự án còn góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn; cải tạo tiểu khí hậu môi trường sinh thái trong vùng; giảm lũ cho khu vực hạ du; tạo sinh kế cho người dân phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ, tạo cảnh quan du lịch…

[Tọa đàm giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận]

Theo lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, của Quốc hội và các bộ, ngành trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương nơi thực hiện dự án làm tốt công tác phối với chủ đầu tư triển khai nhiều phương án xây dựng khả thi đối với từng hạng mục công trình; tổ chức kiểm tra hiện trạng đất đai, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đền bù phù hợp, giải phóng mặt bằng kịp thời bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện thi công đảm bảo kế hoạch.

Tuy nhiên, việc thực hiện một số dự án cũng gặp không ít khó khăn nhất định. Đó là vấn đề về vốn đầu tư do dự án phải điều chỉnh; có dự án thi công vướng vào một số diện tích đất rừng, cần phải điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch để thực hiện dự án…

Do đó, để dự án được triển khai đúng tiến độ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, xem xét, đánh giá, ban hành chi tiết về các tiêu chí đất rừng; đưa các hạng mục chưa thực hiện của dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới; đồng thời hỗ trợ vốn để tỉnh triển khai kết nối, liên thông các hồ chứa tại một số công trình thủy lợi, nhằm đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao mục tiêu đặt ra của các dự án và quyết tâm tỉnh cũng như sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các đơn vị thi công đã khẩn trương thực hiện công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là những công trình trọng điểm, có vai trò hết sức quan trong trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết như việc chuyển đổi diện tích đất rừng thực hiện dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phải khẩn trương báo cáo, sớm trình Quốc hội trong tháng 8 tới đây để Quốc hội xem xét giải quyết; đồng thời trình Chính phủ để có hướng xử lý, kịp thời đẩy nhanh thi công để dự án sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong việc tích nước, tạo nguồn, cung cấp đầy đủ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu hiện nay.

Tiếp đó, Đoàn công tác của Quốc hội cũng đã thị sát tiến độ thi công dự án đường dây truyền tải điện 500kV, 220kV do Tập đoàn Trung Nam đầu tư.

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đã ân cần thăm hỏi, động viên nhà đầu tư và đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân đang thi công trên công trường; đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao việc nhà đầu tư tư nhân tham gia cấp vốn cho hệ thống truyền tải điện và bước đầu thành công.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giải phòng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng công trình, thi công an toàn; qua đó sớm đưa vào hoạt động dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam có công suất 450MW, kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam-Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV; góp phần đẩy nhanh mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục