Ninh Thuận đổi hướng sản xuất muối hướng đến xuất khẩu

Ninh Thuận khuyến khích, hỗ trợ diêm dân đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối sạch, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác...
Mô hình sản xuất muối trải bạt trên nền ô kết tinh tại cánh đồng muối Tri Hải (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Để nâng cao hiệu quả sản xuất muối, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thay đổi hướng sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối, đáp ứng nhu cầu sử dụng muối trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế diêm dân.

Chuyển hướng sản xuất

Những năm trước đây, diêm dân ở Ninh Thuận chủ yếu làm muối nhỏ lẻ, thủ công bằng cách bơm nước biển vào ruộng để muối kết tinh trên nền đất. Với cách làm này, một vụ muối mất khoảng 1 tháng để chuẩn bị cho các công đoạn.

Tuy tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng muối nền đất thường lẫn tạp chất, chưa kể kho chứa muối đa phần tạm bợ và khi có sản phẩm bà con diêm dân thường bán ngay để trang trải cho sinh hoạt nên giá muối thường thấp khi vào chính vụ. 

Thấy được hạn chế đó, chính quyền địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ bà con diêm dân đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối sạch, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm muối làm ra.

[Ngỡ ngàng với vẻ đẹp tráng lệ của những cánh đồng muối ở Ninh Thuận]

Diêm dân Mai Ngọc Minh ở xã Phương Hải, huyện Ninh Hải cho biết gia đình đang làm 1,5ha ruộng muối, muối nền đất khoảng 7 ngày là thu một lần, một tháng thu hoạch từ 90-100 tấn muối, giá muối bán cho hợp tác xã 700-900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 55 triệu đồng.

“Trước kia bán cho người khác, nay có hợp tác xã muối Phương Hải nên bán cho hợp tác xã, được giá bán cao hơn bên ngoài từ 3-5 triệu đồng mỗi đợt bán, giúp mình xoay xở thêm chi phí đầu tư,” ông Minh cho hay.

Giám đốc Hợp tác xã muối Phương Hải, ông Trần Ngọc Chiến cho biết hiện trên địa bàn xã Phương Hải có trên 90ha ruộng muối, hợp tác xã đang liên kết, thu mua muối của hơn 40 hộ với diện tích trên 40ha, sản lượng thu mua hàng tháng từ 2.000-3.000 tấn muối.

Trước đây, bà con ai mua thì bán, nay có hợp tác thu mua giúp ổn định giá cả. Ngoài ra, hợp tác xã hỗ trợ thêm ít vốn giúp bà con làm đường sá vận chuyển muối, mở rộng diện tích sản xuất muối đẹp.

Để nâng cao giá trị hạt muối, nhiều bà con diêm dân đang mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ trải bạt, đóng giếng sử dụng nước ngầm, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt. 

Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào (1.000m2) muối trải bạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng, tùy thuộc chất lượng bạt sử dụng. Một đợt làm muối trải bạt kéo dài 7-10 ngày, đủ thời gian để nước biển “đóng hạt” kết tinh hạt muối trắng đẹp, khô ráo.

Muối trải bạt có giá bán cao hơn so với muối nền đất do đây là nguồn nguyên liệu sạch để các doanh nghiệp chế biến thành muối tinh chất lượng cao.

Phân tích về hai cách làm muối, ông Trần Văn Lan ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải cho biết, làm muối đất thì cần phải đầm nền, tạo “da” mặt ruộng cho cứng, còn muối trải bạt thì chi phí đầu tư ban đầu có cao hơn nhưng rất tiện, mình chỉ cần lấy mặt bằng rộng, đo bạt rồi trải. Muối bạt cho chất lượng cao hơn muối truyền thống, hạt trắng, to, ráo nước, giá bán luôn cao hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong 6 tháng năm 2022, tổng diện tích sản xuất muối toàn tỉnh 3.078 ha (muối diêm dân sản xuất là 631 ha, muối công nghiệp đạt 2.447 ha).

Tổng sản lượng thu được 195.050 tấn, đạt 55,7% kế hoạch. Hiện tại, giá muối diêm dân sản xuất trên nền đất dao động ở mức từ 600-900 đồng/kg, muối trải bạt từ 1.000-1.200 đồng/kg.

Qua đánh giá, tiềm năng sản xuất muối và công nghiệp chế biến từ muối vẫn còn rất lớn. Do vậy, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối gắn với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với địa phương.

Tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật 

Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió... hội tụ những điều kiện lý tưởng để phát triển nghề muối.

Diêm dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) thu hoạch muối. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo Đề án phát triển ngành muối của Chính phủ, đến năm 2030 Ninh Thuận sẽ là địa phương dẫn đầu về quy mô diện tích và sản lượng muối của cả nước với tổng diện tích 3.267 ha, nâng sản lượng thu hoạch muối lên 650.000 tấn; trong đó, muối công nghiệp khoảng 550.000 tấn.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối.

Cùng đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông nội đồng cho khu vực muối của diêm dân; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước cho những đồng muối của diêm dân trong quy hoạch. Trước mắt, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất muối tăng tần suất và công suất bơm nước biển để hộ diêm dân có đủ nước cho sản xuất muối đạt chất lượng tốt.

Trong định hướng phát triển, Ninh Thuận sẽ tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất muối như: phương pháp trải bạt trên nền ô kết tinh, rửa và đánh đống bảo quản muối…để đảm bảo có sản phẩm muối sạch, chất lượng.

Ninh Thuận cũng đầu tư cơ giới hóa ở các đồng muối; tập huấn kỹ thuật sản xuất muối chất lượng cao, muối sạch cho diêm dân; hỗ trợ cho diêm dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh để mang lại năng suất, chất lượng cao hơn.

Ông Nguyễn Khắc Trí cho biết thêm, để tạo thuận lợi cho sản xuất muối tại địa phương, năm 2022 và những năm tiếp theo tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thành lập các hợp tác xã liên kết sản xuất muối với doanh nghiệp để tăng sản lượng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và đồng nhất về chất lượng.

Đồng thời, xây dựng các liên kết trong chế biến, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm muối nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất muối bền vững.

Cùng với đó, tỉnh mời gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến muối, sản xuất hóa chất sau muối tại các địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm chế biến từ muối; kết hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm sau muối để mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm góp phần đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho diêm dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục