Ninh Thuận đẩy mạnh khai thác xa bờ, phát triển kinh tế biển bền vững

Trong năm 2020, Ninh Thuận phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 113.500 tấn; trong đó, khai thác hải sản xa bờ chiếm 65-70% sản lượng toàn tỉnh.
Ninh Thuận đẩy mạnh khai thác xa bờ, phát triển kinh tế biển bền vững ảnh 1Tàu cá của ngư dân neo đậu tại Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Khai thác hải sản được xác định là một trong sáu nhóm ngành kinh tế đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Nâng cao năng lực khai thác

Thực hiện chính sách đầu tư đóng mới thay thế đội tàu khai thác hải sản cũ bằng đội tàu tiên tiến, hiện đại, thời gian qua bằng các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương, Ninh Thuận đã tích cực vận động, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, đến nay toàn tỉnh có hàng trăm tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên đủ điều kiện đăng ký tham gia khai thác xa bờ theo quy định của Luật Thủy sản mới 2017.

Đáng chú ý, để giúp ngư dân vững vàng vươn khơi, nâng cao hiệu quả khai thác và tham gia bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ - CP, Nghị định 89/2015/NĐ - CP của Chính phủ, Ninh Thuận phê duyệt 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá với tổng dự toán gần 490 tỷ đồng.

Đến nay, cả 43 dự án đều đã hoàn thành, đi vào hoạt động gồm 1 tàu vỏ thép, 24 vỏ composite và 18 tàu vỏ gỗ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục phê duyệt chính sách hỗ trợ cho 12 chủ tàu đăng ký đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP.

Hiện tại đã có 6 trường hợp tiến hành đóng mới tàu cá đã đi vào hoạt động với số tiền được vay hỗ trợ trên 33 tỷ đồng, số tàu được phê duyệt đóng mới còn lại đang được tiếp tục triển khai.

[Gần 200 tàu cá ở Ninh Thuận chờ cấp bổ sung hạn ngạch để vươn khơi]

Để nâng cao hiệu quả khai thác, mô hình liên kết sản xuất trên biển theo các tổ, đội đoàn kết khai thác cũng được mở rộng. Các tổ, đội liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển và tăng hiệu quả đánh bắt; đồng thời, các chủ tàu cá tham gia hỗ trợ nhau khi gặp giông bão hoặc sự cố thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Nhằm giúp ngư dân nâng cao năng lực khai thác, tỉnh tăng cường chuyển giao các thiết bị hàng hải hiện đại như máy máy dò cá, máy thông tin liên lạc, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m. Thông qua thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng sẽ giám sát tàu cá, hướng dẫn tọa độ biên giới trên biển, cung cấp dữ liệu khi xử lý tranh chấp...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ đã góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nghề cá truyền thống của ngư dân địa phương; trong đó, đội tàu khai thác xa bờ đã tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân đủ sức vươn khơi khai thác, bám biển, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, đội tàu đánh bắt xa bờ của Ninh Thuận hiện vẫn đối mặt với một số khó khăn. Đó là ngư trường đang giảm sút dẫn đến nhiều trường hợp mặc dù vẫn tích cực bám biển hoạt động dài ngày ở vùng biển xa nhưng vẫn thua lỗ do thu không đủ bù chi.

Ngoài ra, kinh nghiệm khai thác vùng khơi của các chủ tàu còn hạn chế, khả năng tài chính của các chủ tàu còn thấp, thiếu vốn lưu động để đi khai thác, mua hải sản.

Một số tàu đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động thua lỗ, cầm chừng phải nằm bờ dài ngày, chủ tàu xin chuyển đổi ngành nghề khai thác.

Bên cạnh đó, lao động trên biển ngày một thiếu hụt, nhất là lao động có kinh nghiệm; không ít thanh niên ở các làng biển không còn mặn mà với nghề biển, việc đào tạo nghề đi biển chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, khâu dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu chế biến thô như cấp đông, phơi khô, chế biến nước mắm để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch. Hoạt động chế biến hải sản chưa có nhiều thương hiệu mạnh, chưa phát triển như kỳ vọng.

Khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ninh Thuận đẩy mạnh khai thác xa bờ, phát triển kinh tế biển bền vững ảnh 2Các loại hải sản từ đánh bắt xa bờ được bán tại chợ cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo kế hoạch này, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đột phá về các ngành kinh tế biển theo sáu nhóm ngành, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản để khai thác tiềm năng tài nguyên biển của địa phương.

Trong năm 2020, Ninh Thuận phấn đấu sản lượng khai thác thủy sản đạt 113.500 tấn; trong đó, khai thác hải sản xa bờ chiếm 65-70% sản lượng toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý; tăng năng lực khai thác xa bờ theo hướng phát triển các nghề lưới vây, nghề câu, nghề chụp, lưới rê hỗn hợp để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các nghề khai thác phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Theo ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, đi đôi với hoạt động khai thác, tỉnh chú trọng bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản thông qua các hoạt động tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 tới khắp các địa phương ven biển; trong đó, nhấn mạnh về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp để ngư dân nắm rõ không vi phạm khi tham gia khai thác hải sản trên biển. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi khai thác mang tính tận diệt. Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận chưa có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Tuy nhiên, ngành chức năng của tỉnh vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ, kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác tại văn phòng kiểm soát nghề cá ở các cảng để góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để xây dựng, mở rộng các cảng cá, bến cá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nâng cấp, phát triển mới cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm chế biến sau khai thác để gia tăng giá trị kinh tế; đồng thời tăng cường công tác dự báo sản lượng ngư trường khai thác để giúp ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch khai thác để mang lại hiệu quả cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục