Ninh Thuận đặt mục tiêu thu ngân sách vượt 4.000 tỷ đồng trong năm nay

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu ngành thuế theo dõi sát diễn biến tình hình sản xuất-kinh doanh của người nộp thuế, rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng ở các ngành, lĩnh vực.
Người dân thực hiện giao dịch thuế. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Thu ngân sách nhà nước vượt 4.000 tỷ đồng là mục tiêu mà tỉnh Ninh Thuận đặt ra trong năm 2024 và tạo động lực thu vượt 5.000 tỷ trong năm 2025.

Đây cũng chính là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đối với ngành thuế địa phương, góp phần tiến tới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Ninh Thuận, để thực hiện đạt chỉ tiêu được giao, đơn vị đang tập trung triển khai đồng bộ 8 nhóm giải pháp như: tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng và triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh, đất đai…; đẩy mạnh quản lý nợ thuế, hóa đơn điện tử; tuyên truyền phổ biến, hỗ trợ kịp thời các chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế; đặc biệt là chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân, đảm bảo công bằng, minh bạch trong thực hiện kê khai, nộp thuế.

Cùng với đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về lợi ích của hóa đơn điện tử, đồng thời khởi tạo từ máy tính tiền đến người dân, cơ sở sản xuất-kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Đặc biệt, Cục Thuế sẽ sớm tổ chức hội nghị chuyên đề riêng để trao đổi với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và doanh nghiệp cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai thành công việc phát hành hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo từng lần bán hàng.

Tại buổi làm việc với Cục Thuế mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam yêu cầu ngành thuế thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình sản xuất-kinh doanh của người nộp thuế, tập trung rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng ở các ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong quản lý thu, chống thất thu ngân sách.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương nghiêm túc thực hiện quyết liệt, khẩn trương tham mưu xác lập các thủ tục để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và tập trung giải quyết, đẩy nhanh tiến độ, thời gian thực hiện công việc liên quan đến định giá đất cụ thể của dự án có thu tiền tiền sử dụng đất, từ đó, tăng thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, các đơn vị và chính quyền địa phương cần rà soát, kiểm tra và triển khai kịp thời chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ; hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Ngoài ra, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thu nộp tiền thuế phát sinh vãng lai của những dự án đầu tư trên địa bàn; đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan tới đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khoản truy thu sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Theo báo cáo của Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 ước đạt 3.658 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh giảm đến 4,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục