Ninh Thuận đắp đập tạm trên sông Lu 2 để lấy nước phục vụ sản xuất

Đập dâng Tuấn Tú trên sông Lu 2 đã bị sập gẫy vào rạng sáng ngày 1/6 vừa qua, địa phương đang nỗ lực gia cố và đắp bao cát để dâng nước, đồng thời sử dụng máy bơm để lấy nước phục vụ sản xuất.

Đơn vị thi công gia cố đập bằng các rọ đá, đắp bao cát để dâng nước. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Đơn vị thi công gia cố đập bằng các rọ đá, đắp bao cát để dâng nước. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Liên quan đến sự cố vỡ đập dâng Tuấn Tú trên sông Lu 2 đoạn qua địa bàn xã An Hải, huyện Ninh Phước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung khắc phục sự cố để lấy nước tưới phục vụ người dân sản xuất trong vụ Hè Thu 2024.

Đập dâng Tuấn Tú có chiều dài 40,3m, chiều cao 1,7m được xây dựng vào năm 1985. Rạng sáng ngày 1/6 vừa qua, lượng nước đổ về trên lưu vực Sông Lu 2 phía hạ lưu cầu Hòa Thạnh, xã An Hải đã gây xói lở, sập gẫy phần thân đập.

Do sự cố vỡ đập nên các cống lấy nước tại vị trí đập dâng Tuấn Tú đang bị treo cao hơn so với mực nước trên sông Lu 2 nên không cấp được nước phục vụ sản xuất cho 100ha cây trồng tưới từ kênh Tuấn Tú, chủ yếu là cây lúa và khoảng 40ha khu vực trồng rau an toàn tập trung xã An Hải.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN ngày 10/6, tại vị trí giữa thân đập dâng Tuấn Tú bị sụt lún kéo theo đoạn đập phía vai phải và sân tiêu năng sau đập dài khoảng 30m bị sập (phạm vi từ cống xả cát giữa thân đập đến vai phải đập). Đồng thời, chân đập phía vai phải bằng đá xây cũng bị sụt lún, xói lở ăn sâu vào phần đất liền tạo hàm ếch khoảng 5m, diện tích xói lở vị trí chân đập khoảng 40m2.

Để lấy nước phục vụ sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đang xử lý bằng cách gia cố bằng các rọ đá hướng dòng sông Lu 2, đắp bao cát để dâng nước, đưa nước vào bể hút Trạm bơm và kênh Tuấn Tú; nạo vét luồng dẫn và đắp bờ bao từ vị trí gia cố rọ đá vào kênh Tuấn Tú, dùng máy bơm nước từ sông lên kênh...

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Trạm trưởng Trạm Thủy nông Ninh Phước cho biết đối với trà lúa tưới từ kênh Tuấn Tú có diện tích 100ha, hiện nay đợt 1 bà con mới chỉ gieo sạ khoảng 35ha, diện tích còn lại sau khi gia cố đập Tuấn Tú xong sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất trong đợt 2.

thi cong gia co dap2.jpg
Đập dâng Tuấn Tú trên sông Lu 2 bị vỡ ảnh hưởng đến việc lấy nước tưới của người dân. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Để cứu lúa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đã đưa hai máy bơm với lưu lượng khoảng 250 m3/giờ.

“Chúng tôi đã bơm được 4 ngày, dự kiến bơm khoảng 3 ngày nữa sẽ tưới xong 35ha lúa này. Sau đó, chúng tôi sẽ tập trung cho trạm bơm rau sạch, bơm vào bể để tiếp tục bơm tưới cho khoảng 40ha vùng trồng rau An Hải,” ông Phúc nói.

Giữa trưa nắng, ông Châu Văn Việt (xã An Hải, huyện Ninh Phước) vẫn đứng canh máy nước bơm nước từ kênh lên để tưới cho 1ha lúa (10.000m2).

Ông Việt cho biết: “Ruộng lúa này trồng gần được 2 tháng nhưng vừa qua đập dâng Tuấn Tú bị vỡ khiến gia đình rất lo lắng do đang mùa hè nắng nóng kéo dài, không có nước tưới coi như mất trắng. Nhờ có công ty thủy lợi đưa máy bơm vào tiếp nước nên cứu được lúa. Người dân ở đây mong tỉnh sớm làm đập dâng kiên cố để yên tâm có nước sản xuất trong vụ tiếp theo.”

Đập dâng Tuấn Tú được xây dựng trên sông Lu 2 với diện tích lưu vực 317km2, là hạ lưu của 5 hồ chứa nước. Trong số đó, có 2 hồ lớn (hồ chứa nước Tân Giang 149km2 và hồ chứa nước sông Biêu 68,7km2) và 3 hồ nhỏ (CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ).

Ngoài ra, còn có nguồn nước hồi quy bổ sung khu tưới hệ thống kênh chính Nam thuộc hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm.

Nhiệm vụ của đập dâng này là ngăn mặn, giữ ngọt để tận dụng nước Sông Lu 2 phục vụ tưới trực tiếp cho khoảng 100ha đất sản xuất nông nghiệp của kênh Tuấn Tú và tưới bổ sung cho khoảng 300ha khu tưới vùng rau an toàn tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.

thi cong gia co dap3.jpg
Những ruộng lúa được bơm nước dẫn vào ruộng kịp thời nên không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận, nguyên nhân sụt lún, sập gãy thân đập là do đá xây lõi đập từ chân đập lên đến đỉnh đập thường xuyên nằm ngập trong nước nên phần vữa xây đã bị phong hóa, thân đập không còn tác dụng tạo chất kết dính giữa đá xây.

Lượng bùn cát lắng đọng qua nhiều năm đã gây áp lực rất lớn lên thân đập và đập bị rỗng tạo hàm ếch, thấm mất nước, dẫn đến thân đập bị sập gẫy, không đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết trước mắt Công ty xuất kinh phí để triển khai gia cố tạm thời đập dâng Tuấn Tú, sử dụng các máy bơm để đảm bảo nguồn nước tưới cho bà con sản xuất vụ Hè Thu 2024.

Công ty và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng lại đập mới kiên cố để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất ổn định lâu dài cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục