Ninh Thuận: Chuyển đổi số trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển

Hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang trở thành một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Để tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chuyển đổi để phát triển

Thực hiện đề án chuyển đổi số, tỉnh Ninh Thuận tập trung vào ba trụ cột chính: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Tỉnh xác định ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực y tế; giáo dục; tài chính-ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải, logistics; thương mại điện tử; năng lượng; tài nguyên và môi trường; doanh nghiệp công nghiệp; du lịch.

Mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với kỳ vọng tỷ trọng kinh tế số sẽ chiếm 20% GRDP vào năm 2025 và tăng lên 30% vào năm 2030.

Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn đang trở thành một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận-Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn), cho biết mỗi năm công ty thu mua khoảng 500 tấn táo, trên 200 tấn nho tươi liên kết với các hợp tác xã, hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đã giúp công ty mở rộng thị trường một cách nhanh chóng, tiếp cận được lượng lớn khách hàng mới.

ttxvn_ninh thuan chuyen doi so (3).jpg
Khách hàng chuyển tiền nhanh từ quét mã QR. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ số còn giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng cường vị thế cạnh tranh của công ty trên thị trường.

Các nền tảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ.

Qua thống kê, hiện có hơn 90 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh với 350 sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch lữ hành...

Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm của địa phương đã được đưa lên giới thiệu, mua bán tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và các trang mạng xã hội.

Sản lượng tiêu thụ qua các kênh số trung bình chiếm từ 25-30% sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Chuyển đổi số cũng đang làm thay đổi nhanh chóng thói quen sử dụng công nghệ của cộng đồng. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến với doanh số thanh toán không dùng tiền mặt 9 tháng năm 2024 của tỉnh đạt 363.558 tỷ đồng/30.848.568 món, chiếm 75,3% doanh số thanh toán qua ngân hàng.

Đến nay, 100% trường học và 100% cơ sở khám, chữa bệnh tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, thanh toán dịch vụ y tế... không dùng tiền mặt.

Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, cho hay ngành đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế địa phương.

Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tăng khả năng kết nối liên thông, tích hợp dịch vụ giữa ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Theo Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền số.

Đến nay, hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập Internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn; triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.

ttxvn_ninh thuan chuyen doi so (2).jpg
Thanh niên tỉnh Ninh Thuận trải nghiệm ứng dụng công nghệ chuyển đổi số. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ninh Thuận triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và Điều hành Đô thị thông minh (IOC) kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để phục vụ việc theo dõi, giám sát, tiếp nhận, điều phối, xử lý, tổng hợp, cung cấp thông tin chất lượng cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tỉnh hoàn thành dự án xây dựng đô thị thông minh thành phố Phan Rang-Tháp Chàm giai đoạn 2021-2025 đối với hạng mục giải pháp công nghệ.

Trên cơ sở chủ đề chuyển đổi số quốc gia và tình hình thực tiễn, tỉnh xác định chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Thương mại điện tử-thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.”

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành và triển khai quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chuyển đổi số giai đoạn 2024-2028 với tổng số tiền 28,9 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, cùng với tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn.

Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến; tập trung triển khai hoàn thành các sản phẩm chuyển đổi số, phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số trong năm.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử gắn với phát triển kinh tế số, đảm bảo 100% doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số, hóa đơn điện tử; tập trung thực hiện việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân; đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế-xã hội.

Triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong 9 tháng năm 2024, đưa tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 20.662 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục