Ninh Bình: Thủ phủ đất đào phai Đông Sơn nhộn nhịp đón Tết

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp - vùng đất được mệnh danh là thủ phủ đào phai của tỉnh Ninh Bình lại nhộn nhịp hẳn lên.
Ninh Bình: Thủ phủ đất đào phai Đông Sơn nhộn nhịp đón Tết ảnh 1 Một cành đào được nhà vườn đưa ra thị trường tiêu thụ trong dịp Tết. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp - vùng đất được mệnh danh là thủ phủ đào phai của tỉnh Ninh Bình lại nhộn nhịp hẳn lên. Từng đoàn xe tải lớn nhỏ tấp nập vào thu mua cây đào phai đưa ra thị trường.

Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Đông Sơn đã nhạy bén với thị trường Tết, phát triển diện tích trồng đào và đưa cây đào phai trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ cây đào phai, nhiều gia đình đã "ăn nên làm ra," nhiều hộ có cuộc sống khấm khá.

Một điều rất dễ nhận thấy nữa là phong trào trồng cây đào phai rất phát triển tại Đông Sơn trong những năm gần đây, những cánh đồng, những quả đồi trồng đào phai trải rộng và vô cùng hút mắt. Cận Tết, những vườn đào trăm hoa đua nở đã tô thêm những màu sắc rực rỡ ngút tầm mắt.

Tại thôn 7, xã Đông Sơn, ông Ninh Văn Mạnh, một chủ hộ trồng đào phai có kinh nghiệm lâu năm cho biết nguồn gốc của cây đào phai trồng tại Đông Sơn cụ thể như thế nào thì không ai nhớ rõ; người dân chỉ truyền tai nhau rằng, từ xa xưa khi các thế hệ trước khai hoang, mở rộng khu vực sản xuất nông nghiệp đã mang cây đào lên đất này để trồng lấy quả ăn.

Địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu tại đây rất phù hợp để cho cây đào phai phát triển. Cây đào phai được trồng tại Đông Sơn phát triển nhanh, nhiều lộc, lá, mầu sắc của hoa không thắm như hoa tại các vùng trồng đào khác nhưng cánh hoa to, dầy và đều đã tạo nên một nét rất riêng cho cây đào phai Đông Sơn.

Ông Mạnh cho biết mới đầu gia đình ông chỉ trồng vài chục gốc đào phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân Tam Điệp. Nhưng dần dần, kinh tế phát triển mở rộng, người dân có điều kiện chơi Tết hơn, ông đã nắm bắt cơ hội và phát triển nhân rộng diện tích trồng đào. Hiện gia đình ông Mạnh trồng hơn 700 gốc đào trên diện tích 5 sào vườn đồi.

Nắm bắt được quy trình trồng, chăm sóc, tỉa tuốt lá, kích thích, kìm hãm hoa nở đúng vào dịp Tết nên trong những năm qua, vườn đào phai của gia đình ông Mạnh luôn đắt hàng, nhiều khách còn về vườn đặt hàng từ nhiều tháng trước Tết. Với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với nhiều loại cây, con khác nhau, nhưng thu nhập chính của gia đình ông Mạnh lại chính từ những gốc đào phai được chăm chút quanh năm. Mỗi vụ đào phai, gia đình ông cung ứng ra thị trường trên dưới 100 gốc đào, cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm.

Cũng tại thôn 7, xã Đông Sơn, gia đình anh Phạm Văn Bảy cũng đang đón những khách hàng truyền thống về tận vườn để chọn lựa đào. Với quy mô 8 sào trồng đào phai, trong nhiều năm trở lại đây, gia đình anh Bảy đã phát triển được trên 300 gốc đào, trong đó có nhiều gốc đào lâu năm, tán rộng, bông dày, cánh cứng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Chỉ vào một cây đào có tuổi đời trên chục năm, anh Bảy cho biết, nhiều người hỏi mua cây đào này với giá cao hơn giá thị trường nhưng gia đình anh chưa muốn bán, bởi kiểu dáng đẹp, nhiều nụ, nhiều lộc, để một vài năm nữa sẽ trở thành một trong những cây đào đặc sắc của xứ này.

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh Bảy cho biết để trồng được một cây đào phai đẹp, trước hết phải kể đến việc chọn giống đào, cắt ghép mắt và ươm trồng cây đào từ nhỏ; kết hợp với quá trình chăm sóc, bón phân và tỉa tuốt lá vào những thời điểm thích hợp sẽ cho cây đào khỏe mạnh, hoa đẹp. Nhẩm tính, với lứa đào đến tuổi thu hoạch, vụ đào phai Tết năm nay, gia đình anh Bảy sẽ thu về không dưới 100 triệu đồng.

Theo ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn, toàn xã có khoảng 7.000 nhân khẩu thì có tới trên 1.000 lao động trồng và kinh doanh cây đào phai. Từ nhiều năm nay, cây đào phai đã trở thành cây trồng chủ lực của Đông Sơn, nhờ cây đào phai nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí nhiều nhà giàu lên nhờ cây đào phai.

Ninh Bình: Thủ phủ đất đào phai Đông Sơn nhộn nhịp đón Tết ảnh 2Đốt gốc đào trước khi cắm sẽ làm cho cành đào tươi lâu hơn và ra hoa đẹp hơn. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Xã Đông Sơn có 11 thôn thì có tới 10 thôn trồng đào phai và đều được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Hiện toàn xã có khoảng 150ha đào phai; các hộ sản xuất chuyên nghiệp thường có diện tích đào phai từ 3 đến 10 sào, thậm chí có nhiều hộ trồng hàng hecta đào phai.

Nhằm đẩy mạnh phong trào trồng đào phai tại địa phương và quảng bá hình ảnh cây đào phai Đông Sơn ra thị trường, ba năm trở lại đây, Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn đã tổ chức hội thi cây đào phai đẹp vào mỗi dịp Tết đến. Đến nay, cây đào phai Đông Sơn không chỉ phục vụ nhu cầu chơi Tết của nhân dân trong tỉnh mà còn đưa đi nhiều tỉnh, thành phố khác như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội...

Giá thành đào phai phụ thuộc vào kiểu dáng, tuổi cây, đa phần đào phai Đông Sơn có giá từ vài trăm nghìn đến trên 1 triệu đồng/cành, nhiều cây đẹp đặc sắc được khách mua với giá từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có những cây lâu năm, có kiểu dáng độc, lạ được bán với giá từ 20-30 triệu đồng/cây.

Để tiếp tục phát triển cây đào phai cả về diện tích trồng lẫn chất lượng, trước mắt Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng của thành phố Tam Điệp tăng cường quảng bá, giới thiệu thương hiệu "Đào phai Đông Sơn" trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của thành phố; thực hiện chủ trương gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch.

Về lâu dài, xã Đông Sơn tiếp tục mở các lớp dạy nghề trồng đào phai, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây đào phai thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục