Ninh Bình: Tăng trải nghiệm cho du khách bằng trình diễn nghệ thuật dân gian

Ninh Bình sẽ phát triển du lịch văn hóa mạnh mẽ hơn bằng việc trình diễn nghệ thuật dân gian gắn với di tích lịch sử nhằm mang đến trải nghiệm sinh động hơn cho khách du lịch.
Góc "check-in" ấn tượng dành cho du khách trên đỉnh Hang Múa, Ninh Bình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nếu chọn một điểm đến gần Hà Nội, lại hội tụ nhiều yếu tố từ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử đến du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng… thì Ninh Bình luôn lọt top được du khách ưu tiên lựa chọn cho hành trình trải nghiệm ngắn ngày.

Các khu, điểm du lịch thường đón lượng khách lớn như Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động, vườn chim Thung Nham, hang Múa, phố cổ Hoa Lư..., gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch Ninh Bình.

Đặc biệt, những năm gần đây, vùng đất cố đô phía Bắc trở thành điểm sáng không chỉ bởi những ưu thế kể trên mà còn là nỗ lực chuyển mình của cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong hợp tác công tư, trong việc tích cực làm mới sản phẩm để Ninh Bình mang đến nhiều hơn nhiều trải nghiệm mang dấu ấn bản địa cho du khách…

Để đạt được những thành quả này, du lịch Ninh Bình đã và đang đầu tư ra sao cho kinh tế Xanh phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong đã trả lời phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus.

- Hợp tác công tư trong phát triển du lịch ở Ninh Bình là một điểm sáng của hoạt động ngành thời gian qua, xin ông chia sẻ kinh nghiệm cũng như những khó khăn, thuận lợi mà địa phương gặp phải trong quá trình triển khai?

Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ông Phạm Duy Phong: Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình nói riêng cũng đã thực hiện rất tốt việc hợp tác công tư trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, chúng tôi đã có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng như trong công tác đầu tư để phát triển du lịch.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều dự án đã đi vào khai thác, sử dụng cho mục đích du lịch với hiệu quả bước đầu được đánh giá rất tốt và được du khách trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.

Thời gian tới, theo định hướng của Nghị quyết số 07 về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, chiến lược phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, cũng đã định hướng rất rõ các hoạt động để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vào các dự án mang tính chất phát triển bền vững, phát triển với công nghệ Xanh, sạch và bảo vệ môi trường một cách tốt nhất.

- Tập trung phát triển du lịch văn hóa là một trong những con đường bền vững mà toàn ngành đang hướng tới, hoạt động này cũng là thế mạnh của Ninh Bình và đang được đẩy mạnh địa phương. Vậy thực tế, Ninh Bình đã và đang đầu tư cho du lịch văn hóa ra sao để mang đến cho du khách nhiều hơn những trải nghiệm đậm bản sắc bản địa?

Ông Phạm Duy Phong: Ninh Bình tuy là địa phương nhỏ về diện tích nhưng lại có số lượng di tích lịch sử dày đặc trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các dích lịch sử cũng như các công trình văn hóa đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển du lịch của Ninh Bình.

Du khách quốc tế thích thú khi được trải nghiệm điểm đến ở Ninh Bình. (Ảnh:CTV/Vietnam+)

Sắp tới, chúng tôi dự kiến phát triển loại hình du lịch văn hóa mạnh mẽ hơn nữa bằng các nội dung cụ thể, như tái hiện một số hoạt động văn hóa, trình diễn gắn với các di tích lịch sử, mang đến trải nghiệm cụ thể và sinh động hơn cũng như giúp du khách cảm nhận được chiều sâu văn hóa của vùng đất cố đô có bề dày lịch sử hàng nghìn năm.

Đối với du lịch làng nghề du lịch, chúng tôi cũng có những làng nghề hơn 700 năm tuổi đã và đang được phát triển khá mạnh như làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề dệt cói Kim Sơn và một số làng nghề thủ công mỹ nghệ khác… cung cấp những sản phẩm dịch vụ với mục tiêu là hàng lưu niệm cho khách du lịch.

- Với du khách quốc tế đến thì địa phương có những hoạt động trải nghiệm gì đặc thù để níu chân du khách lưu trú lâu hơn, thưa ông?

Ông Phạm Duy Phong: Đối với phát triển các dịch vụ du lịch gắn với văn hóa dành cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế, thì chúng tôi đang định hướng phát triển các loại hình dịch vụ kinh tế đêm.

Cụ thể trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức những hoạt động tái hiện lại phố cổ Hoa Lư về đêm bằng trình diễn các loại hình văn hóa văn nghệ, nghệ thuật dân gian để du khách có thể khám phá, tìm hiểu về các nét văn hóa của vùng đất Ninh Bình.

Những hoạt động này sẽ làm tăng thời lượng lưu trú của khách du lịch đúng theo định hướng chung để phát triển du lịch địa phương một cách bền vững hơn.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục