Ninh Bình: Phát hiện mới về cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An

Đề tài nghiên cứu tại Tràng An của tiến sỹ Phạm Thị Nhị, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện một loài mới thuộc họ ong Kén nhỏ và nhiều loài côn trùng lần đầu được ghi nhận ở Việt Nam.
Quần thể danh thắng Tràng An. (Ảnh: Minh Đức/ TTXVN)

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu cấu trúc quần xã côn trùng ở Khu Di sản thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình” do tiến sỹ Phạm Thị Nhị, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm chủ nhiệm.

Đề tài đã phát hiện một loài mới thuộc họ ong Kén nhỏ và nhiều loài côn trùng lần đầu được ghi nhận tại Việt Nam.

Tiến sỹ Phạm Thị Nhị cho biết khu Di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình là nơi chứa đựng tinh hoa văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên. Mặc dù là địa điểm nổi tiếng cả về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và du lịch tâm linh, các nghiên cứu về khu hệ động vật (đặc biệt là côn trùng) ở khu vực này còn rất hạn chế.

Các nghiên cứu về khu hệ thủy sinh vùng núi đá vôi của tỉnh Ninh Bình, bao gồm cả khu vực Tràng An đã ghi nhận sự có mặt ấu trùng của 21 loài côn trùng nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin nào về các loài côn trùng trên cạn ở khu vực này được công bố.

Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã ghi nhận tổng số 604 loài côn trùng thuộc 431 giống, 91 họ, 10 bộ tại Khu Di sản thế giới Tràng An.

Đề tài đã phát hiện một loài mới cho khoa học thuộc họ ong Kén nhỏ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận lần đầu 16 loài cho khu hệ côn trùng Việt Nam, bao gồm hai loài thuộc bộ Cánh cứng, hai loài thuộc bộ Cánh vảy và 12 loài thuộc bộ Cánh màng.

Đề tài đã phân tích thành phần các họ, giống, loài trong từng bộ côn trùng; xác định bộ côn trùng chiếm ưu thế về số lượng họ, số lượng giống và loài; phân tích cấu trúc thành phần loài trong các họ và giống, từ đó xác định họ côn trùng có số loài đa dạng nhất và giống côn trùng có số loài nhiều nhất.

[Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Tràng An]

Đề tài xác định các loài côn trùng gây hại cây trồng nông nghiệp, các loài thiên địch và các loài có ý nghĩa kinh tế tại khu vực nghiên cứu.

Ngoài một loài côn trùng được phát hiện mới cho khoa học, Đề tài đã ghi nhận hai loài côn trùng có giá trị bảo tồn tại Khu Di sản thế giới Tràng An, bao gồm loài Bướm phượng cánh chim chấm rời, là loài côn trùng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; loài bọ hung Cosmiomorpha pacholatkoi Jákl là loài đặc hữu tại Việt Nam, chỉ được ghi nhận ở Vườn quốc gia Tam Đảo và Khu Di sản thế giới Tràng An.

Đề tài đã bàn giao 200 mẫu côn trùng cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Với các kết quả thu được, Đề tài đã đánh giá được cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An, một mặt nhằm khám phá giá trị đa dạng sinh học nổi bật của khu di sản thế giới, mặt khác cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững ở danh thắng đặc biệt này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục