Ninh Bình đưa vào sử dụng nhà máy xử lý chất thải rắn hiện đại

Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, có công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày đêm, đã chính thức được đưa vào sử dụng.

Từ ngày 20/6, Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, có công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày đêm, đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng với nhiệm vụ xử lý chất thải rắn của các thị trấn, thị tứ và các khu dân cư trong tỉnh.

Sản phẩm đầu ra của nhà máy là phân bón vi sinh cung cấp cho sản xuất nông nghiệp cùng một số sản phẩm phụ dùng trong công nghiệp, xây dựng dân dụng.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình nằm trong Dự án đầu tư quản lý và xử lý chất thải rắn có sử dụng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tổng kinh phí xây dựng nhà máy là hơn 1.000 tỷ đồng, gồm nhiều phân khu chức năng chuyên xử lý rác, nhà sản xuất phân vi sinh; nhà đóng gói và chứa phân vi sinh thành phẩm, nhà bảo dưỡng thiết bị, khu nhà điều hành và nhà nghỉ cho công nhân, bãi chôn lấp rác đạt tiêu chuẩn của Hàn Quốc và các tuyến đường giao thông nội bộ.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Tống Duy Tứ cho biết đây là công trình an sinh xã hội, góp phần cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn một cách bền vững.

So với các dây chuyền của một số nhà máy xử lý rác trong nước như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Định Quán-Đồng Nai, Sông Công-Thái Nguyên, nhà máy này sở hữu một dây chuyền xử lý chất thải rắn hiện đại và có quy mô lớn nhất cùng một dàn thiết bị chuyên dùng, đồng bộ đi kèm như 17 xe ép rác các loại, 4 xe hút bùn công suất lớn, xe gắp rác, xe xúc lật, máy xúc đào và xe nâng hàng.

Ngoài việc xử lý chất thải rắn, địa phương còn tận dụng được nguồn rác hữu cơ chất lượng cao từ nhà máy sản xuất hoa quả xuất khẩu và chất thải từ các trang trại chăn nuôi để làm phân vi sinh bón cho các loại cây trồng đang chiếm ưu thế trên đồng đất Ninh Bình như chè, sắn, dứa với doanh thu ước tính gần 1,7 tỷ đồng/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục