Ninh Bình: Điểm sáng du lịch tâm linh của Việt Nam

Trong làn mưa lây rây mỏng manh, từng dãy núi hùng vĩ soi bóng mặt nước, thấp thoáng đền đài, miếu mạo rêu phong, cổ kính, in đậm dấu ấn kinh đô Hoa Lư xưa.
Ninh Bình: Điểm sáng du lịch tâm linh của Việt Nam ảnh 1Rước rồng trên sông trong Lễ hội đức Thánh Quý Minh đại vương. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cả nghìn chiếc thuyền đã đưa du khách thưởng ngoạn vùng non nước hữu tình, chứa đựng nhiều huyền thoại cùng hệ thống hang động kỳ thú ở Tràng An (tỉnh Ninh Bình) trong ngày 17/4 để tham dự lễ hội truyền thống đức Thánh Quý Minh đại vương.

Trong làn mưa lây rây mỏng manh, từng dãy núi hùng vĩ soi bóng xuống mặt nước, thấp thoáng đền đài, miếu mạo rêu phong, cổ kính, in đậm dấu ấn kinh đô Hoa Lư xưa - nơi tích trữ lương thảo, tập luyện của binh sĩ triều đại nhà Đinh (thế kỷ thứ X).

Niềm kiêu hãnh của đất Hoa Lư

Lễ hội được tỉnh Ninh Bình tổ chức lần thứ ba và đã cho thấy hiệu quả khi nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân địa phương và du khách thập phương.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Chúng ta khôi phục và phát huy những hình thức lễ hội này chính là làm phong phú thêm cho giá trị phi vật thể của một giá trị vật thể đang vươn tới trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Khu Tràng An với tất cả cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ nhưng chứa đựng trong đó những tâm hồn, tư tưởng của con người Việt Nam cũng là nguồn lực rất mạnh cho công cuộc xây dựng đất nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.”

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yên, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình, xúc động chia sẻ ngay trên thuyền sau khi dự lễ hội, người phụ nữ này cho biết năm năm nào bà cũng đến lễ hội và mỗi năm lại có một niềm vui khác nhau.

“Cách tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nền nếp và quy củ hơn. Đến với lễ hội tôi thấy giống như đến với thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ, thời đại kết tinh tinh hoa của trời, của đất, của Phật, của Thánh, của mẹ, của cha, của Chúa, của Tiên Thánh, Tiên Linh ban tặng cho đất Tràng An để quê hương chúng tôi có được một ‘di sản’ như thế này. Tràng An vừa có thiên tạo vừa có nhân tạo để tới đây có thể trở thành di sản thế giới, trở thành niềm kiêu hãnh của Tràng An nói riêng và đất nước nói chung,” bà Yên nói.

Điểm sáng du lịch tâm linh

Theo số liệu thống kê tính đến năm 2012, hiện toàn tỉnh Ninh Bình có gần 1.500 di tích chùa, đình, đền...; gần 300 lễ hội truyền thống. Các lễ hội là những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, mang giá trị văn hóa tâm linh như: lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội đức Thánh Quý Minh đại vương, lễ hội Đền Trần, lễ hội Đền Nguyễn Công Trứ...

Đặc biệt, cuối năm 2013 vừa qua, Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị du lịch quốc tế về du lịch tâm linh lần đầu tiên. Hơn 100 đại biểu đại diện cho cơ quan du lịch quốc gia đến từ các nước thành viên của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và nhiều tổ chức quốc tế khác đã đánh giá rất cao những nội dung trong hội nghị cũng như tiềm năng du lịch của kinh đô cổ Hoa Lư.

Và tháng Năm tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc và tổ chức tại Khu du lịch văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Với những lợi thế và cơ hội này, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã xác định lấy du lịch tâm linh làm trọng tâm phát triển trong thời gian tới và cam kết xây dựng hành lang bảo vệ, ngăn chặn kịp thời mọi tác động xấu lên môi trường tự nhiên; riêng những khu vực được bảo tồn nghiêm ngặt sẽ không cho phép hoạt động khai thác nào làm ảnh hưởng đến tính vẹn toàn, nguyên gốc của di sản.

Đặc biệt, khu quần thể danh thắng Tràng An đang có nhiều cơ hội trở thành di sản văn hóa thế giới. Đây là mong muốn của không chỉ người dân địa phương mà của cả quốc gia. Tuy nhiên, đằng sau niềm tự hào ấy sẽ là nỗ lực và trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ của cả đại tập thể dân tộc.

Như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói, luôn luôn mọi mong ước đều đi cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ. Từ ngàn đời nay ông cha ta đã gây dựng, đã vun đắp, đã gìn giữ thì chúng ta là những người có trách nhiệm kế tục sự nghiệp ấy phải tiếp tục vun đắp và gìn giữ nó, không những chỉ là đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam mà còn góp phần vào bảo tồn di sản văn hóa chung của nhân loại.

“Tôi nghĩ, cách tốt nhất, với tư cách ‘người chủ’ chúng ta phải có ý thức bảo vệ Tràng An. Ở Ninh Bình hiện đang phát triển ngành công nghiệp rất mạnh là khai thác xi măng. Có thể nói, chúng ta đang lãng phí ‘di sản’ của thiên nhiên. Chúng ta phải biết cân đối tất cả những lợi ích, phải có tầm nhìn, biết cân nhắc bởi thực tế môi trường sinh thái và môi trường văn hóa luôn là môi trường sống quan trọng nhất của dân tộc chúng ta cũng như của nhân loại,” ông Dương Trung Quốc chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục