Tôn giáo Ninh Bình góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

Ninh Bình: Chức sắc tôn giáo góp ý về Hiến pháp

Ngày 5/3, chức sắc ở Ninh Bình đã góp ý kiến tập trung vào nội dung khẳng định quyền con người của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Tại hội nghị chuyên đề đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 5/3, đông đảo chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp nhiều ý kiến tập trung vào nội dung khẳng định quyền con người ở Chương 2.

Nguyên Chánh trương xứ Phát Diệm Lê Đức Long đánh giá cao nội dung Điều 21 của Dự thảo "Mọi người có quyền sống," cho rằng đây là một điểm mới mang tính đột phá. Ông Long lý giải, bất kỳ tôn giáo nào cũng coi trọng quyền được sống của con người. Phật giáo quy định "ngũ giới cấm" gồm cấm sát sinh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm vọng ngữ, cấm uống rượu; trong đó cấm sát sinh được đưa lên hàng đầu. Công giáo cũng quy định nghiêm cấm tín đồ tước đoạt đi quyền được sống của người khác, đặc biệt là cấm nạo phá thai.

Ở Điều 39 của Dự thảo nói về gia đình nhưng lại không đề cập đến nội dung của Điều 64 (Hiến pháp 1992) "Gia đình là tế bào của xã hội," theo ông Long, cần bổ sung thêm phạm trù này, bởi lẽ nếu như trong cơ thể một con người có nhiều tế bào yếu, ắt hẳn bản thân người đó không khỏe mạnh. Trong một xã hội, nếu như gia đình không tốt, đất nước sẽ khó phát triển bền vững.

Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Ninh Bình tâm đắc với Điều 46 của Dự thảo: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Thượng tọa lý giải, thiên nhiên được ví như "bà mẹ" của nhân loại, nếu con người sống trên Trái đất không biết bảo tồn, giữ gìn môi trường sinh thái

Đại đức Thích Thanh Trụ, Phó ban đại diện Phật giáo huyện Kim Sơn đề nghị thêm cụm từ "tác động xấu" vào Khoản 2, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như sau: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Tại Điều 26 của Dự thảo (sửa đổi bổ sung điều 69) nêu "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật," Đại đức Thích Thanh Trụ đề nghị, để mọi người dân phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sáng tác, phát ngôn và hành động của mình thì cần sửa lại là: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những sáng tác, phát ngôn và hành động của mình...

Đại đức Thích Minh Thanh, trụ trì chùa Phú Vinh, thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn) đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên quy định rõ hơn ở Điều 25 liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo./.

Vũ Anh Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục