Nigeria: Giao tranh tại Borno, ít nhất 12 người thiệt mạng

Các nguồn tin quân sự Nigeria ngày 12/8 cho biết giao tranh xảy ra vào tối 10/8 và kéo dài khoảng 5 giờ khi các tay súng cố chiếm một căn cứ quân sự ở Gubio.
Binh sỹ Nigeria tuần tra tại thị trấn Banki, đông bắc Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Nigeria tuần tra tại thị trấn Banki, đông bắc Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Nigeria và nhóm phiến quân Boko Haram tại thị trấn Gubio, cách Maiduguri, thủ phủ bang Borno, Đông Bắc nước này, 80km về phía Bắc.

Các nguồn tin quân sự Nigeria ngày 12/8 cho biết giao tranh xảy ra vào tối 10/8 và kéo dài khoảng 5 giờ khi các tay súng cố chiếm một căn cứ quân sự ở Gubio.

Giao tranh kéo dài khoảng 5 giờ và quân đội Nigeria đã đẩy lùi thành công vụ tấn công.

Nhiều tay súng Boko Haram bị thương, trong khi nhiều đối tượng khác chạy trốn, bỏ lại nhiều vũ khí, đạn dược.

Từ năm 2009, phiến quân Boko Haram đã tiến hành các hoạt động chống phá tại khu vực Đông Bắc Nigeria với âm mưu thiết lập cái gọi là một nhà nước Hồi giáo, sau đó mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Niger, Cameroon và Chad.

[Nigeria: Liên tiếp đánh bom liều chết khiến 11 người thương vong]

Nhóm này thường sử dụng những kẻ đánh bom tự sát là phụ nữ và bé gái tấn công vào các địa điểm không được bảo vệ nghiêm ngặt như đền thờ, chợ hay bến xe buýt.

Bạo lực liên quan đến Boko Haram khiến khoảng 27.000 người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực.

Ngoài việc tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào binh sỹ và dân thường, Boko Haram còn bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới để ép gia nhập hàng ngũ của chúng.

Boko Haram đã chia thành hai nhánh chính sau khi các tay súng vốn trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rời bỏ thủ lĩnh lâu năm Abubakar Shekau hồi năm 2016.

Nhánh Boko Haram do Shekau đứng đầu thường thực hiện các vụ tấn công nhằm vào dân thường, trong khi nhánh còn lại tự xưng là IS khu vực Tây Phi (ISWAP) thường nhằm vào các mục tiêu quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục