Nigeria giải ngũ gần 900 lính chống phiến quân Boko Haram là trẻ em

894 trẻ em, gồm 106 bé gái, là thành viên của Lực lượng dân sự chung (CJTF), một nhóm tay súng địa phương ủng hộ cuộc chiến chống phiến quân Boko Haram tại Nigeria, đã được trả tự do.
Nigeria giải ngũ gần 900 lính chống phiến quân Boko Haram là trẻ em ảnh 1Binh sỹ trẻ em Nigeria. (Nguồn: The Guardian Nigeria)

Ngày 10/5, người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Nigeria, ông Mohamed Fall, cho biết gần 900 trẻ em gia nhập hàng ngũ của một nhóm tay súng ủng hộ chính phủ chống nhóm phiến quân Boko Haram đã được trả tự do tại khu vực phía Bắc của nước này.

894 trẻ em, gồm 106 bé gái, là thành viên của Lực lượng dân sự chung (CJTF), một nhóm tay súng địa phương ủng hộ cuộc chiến chống phiến quân Boko Haram, đã được trả tự do trong buổi lễ diễn ra tại thành phố Maiduguri, như một phần trong cam kết chấm dứt việc tuyển mộ và sử dụng binh lính trẻ em của CJTF.

Như vậy, đã có 1.727 trẻ em đã được giải ngũ khỏi lực lượng này.

Ông Fall cho hay các trẻ em ở khu vực Đông Bắc nước này đã phải chứng kiến sự khốc liệt của cuộc xung đột, tình trạng bạo lực và chết chóc khi các em bị các nhóm vũ trang sử dụng để tham chiến hoặc thực hiện những việc có liên quan.

Ông Fall cho biết không rõ còn bao nhiêu trẻ em vẫn đang trong hàng ngũ của CJTF, song Liên hợp quốc hoan nghênh động thái này của UNICEF, cho đây là bước đi đúng đắn trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Những em được tự do sẽ tham gia chương trình tái hòa nhập và giáo dục, qua đó các em có thể quay về cuộc sống bình thường.

Được thành lập từ năm 2013 nhằm bảo vệ cộng đồng cư dân trước các vụ tấn công của các nhóm thánh chiến, CJTF bắt đầu tuyển mộ hàng trăm trẻ em vào hàng ngũ của lực lượng này.

Đến năm 2017, CJTF đã ký cam kết về việc chấm dứt tuyển mộ lính trẻ em và thả tất cả trẻ em đang đứng trong hàng ngũ của nhóm này.

Phiến quân Boko Haram bắt đầu nổi dậy tại khu vực Đông Bắc từ năm 2009 với âm mưu thiết lập cái gọi là một nhà nước Hồi giáo, sau đó mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Niger, Cameroon và Chad.

Bạo lực liên quan đến Boko Haram khiến khoảng 27.000 người thiệt mạng và 1,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực.

Ngoài việc tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào binh sỹ và dân thường, Boko Haram còn bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới để ép gia nhập hàng ngũ của chúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục