Nigeria: Bạo lực gia tăng khiến 20.000 người chạy sang Niger lánh nạn

Theo UNHCR, tình trạng bạo lực ở khu vực Tây Bắc Nigeria đã buộc khoảng 20.000 người tị nạn phải tìm nơi trú ẩn an toàn tại quốc gia láng giềng Niger từ tháng 4 vừa qua.
Hiện trường một vụ tấn công tại làng Maiborti, ngoại ô Maiduguri, đông bắc Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hiện trường một vụ tấn công tại làng Maiborti, ngoại ô Maiduguri, đông bắc Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/5, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết tình trạng bạo lực ở khu vực Tây Bắc Nigeria đã buộc khoảng 20.000 người tị nạn phải tìm nơi trú ẩn an toàn tại quốc gia láng giềng Niger từ tháng 4 vừa qua.

Các lực lượng quân đội, cảnh sát và an ninh quốc gia đã được triển khai tại khu vực bạo lực này trong những tháng gần đây nhằm triệt phá các băng nhóm tội phạm, vốn được coi là những đối tượng liên quan đến một loạt các vụ giết người và bắt cóc.

Ngoài khu vực Tây Bắc, lực lượng an ninh cũng được triển khai để trấn áp cuộc nổi dậy kéo dài suốt thập kỷ qua của nhóm Hồi giáo khủng bố Boko Haram ở Đông Bắc Nigeria.

Phát biểu tại cuộc họp báo, phát ngôn viên của UNHCR Babar Baloch cho rằng: "Ngoài các phần  tử khủng bố Boko Haram, các nguyên nhân khiến người dân buộc phải đi sơ tán là các cuộc đụng độ giữa nông dân thuộc các bộ tộc khác nhau, tình trạng bắt cóc đòi tiền chuộc thường xuyên xảy ra... đặc biệt  tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng tại các bang Sokoto và Zamfara."

Theo ông Babar Baloch, đa số người dân chạy trốn sang nước láng giềng Niger, nằm ở phía Bắc Nigeria.

[Nigeria: Hai cuộc tấn công đẫm máu xảy ra trong vòng 1 tuần]

Khu vực Đông Bắc Nigeria được coi là "sào huyệt" của phiến quân Boko Haram. Thời gian qua, Chính phủ Nigeria đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự truy quét các phần tử khủng bố tại đây. Quân đội đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực, giải cứu nhiều con tin và tiêu diệt một số tay súng.

Phiến quân Boko Haram bắt đầu nổi dậy tại khu vực Đông Bắc từ năm 2009 với âm mưu thiết lập cái gọi là một nhà nước Hồi giáo. Sau đó, chúng mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Niger, Cameroon và Chad.

Bạo lực liên quan đến Boko Haram khiến khoảng 27.000 người thiệt mạng và 1,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng trong khu vực.

Ngoài việc tiến hành hàng loạt vụ tấn công nhằm vào binh sĩ và dân thường, Boko Haram còn bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới để ép gia nhập hàng ngũ của chúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục