Niger chờ phản ứng của ECOWAS sau khi từ chối tối hậu thư

Hôm 6/8, chính quyền quân sự Niger đã thông báo đóng cửa không phận, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm không phận nước này sẽ gặp phải "sự đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức."
Tư lệnh quốc phòng các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi chụp ảnh chung tại phiên họp bất thường của ECOWAS về Niger ở Abuja (Nigeria) ngày 4/8/2023. (Ảnh: AP/TTXVN)

Sau khi từ chối tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế của Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) về thời hạn chót 6/8 để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum, lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính tại Niger đang chờ phản ứng từ ECOWAS, vốn trước đó cảnh báo sẽ tiến hành can thiệp vũ trang nếu thời hạn chót trên bị bỏ lỡ.

Trước đó, ECOWAS cho biết đã lên kế hoạch có hành động quân sự tại Niger sau khi các nỗ lực đàm phán thất bại. Cụ thể, bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc ECOWAS đặt thời hạn đến ngày 6/8 để các lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính từ chức và khôi phục hoạt động của chính phủ do Tổng thống Bazoum đứng đầu.

Ngày 6/8, chính quyền quân sự Niger thông báo đóng cửa không phận của quốc gia Tây Phi này, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm không phận nước này sẽ gặp phải "sự đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức."

Cùng ngày, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho rằng ECOWAS nên gia hạn thời hạn chót đối với việc phục chức cho Tổng thống Bazoum. Ông Tajani nhấn mạnh giải pháp duy nhất để giải quyết tình hình Niger là thông qua con đường ngoại giao.

[Chính quyền quân sự Niger quyết định đóng cửa không phận]

Ngày 26/7 vừa qua, các binh sỹ ở Niger đã lật đổ Tổng thống dân bầu Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc.

Ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Niger là quốc gia giàu trữ lượng uranium và dầu mỏ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đóng vai trò địa chiến lược đối với các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Sự leo thang căng thẳng giữa Niger với ECOWAS đang làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn tại khu vực nghèo nhất thế giới, nơi đang đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng cũng như các cuộc xung đột vũ trang, vốn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục