Sau gần một năm chuyển vào khu tái định cư, hiện cuộc sống của hơn 50 hộ dân vùng sạt lở ở thôn Làng Mâm, xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đã ổn định. Bà con không còn lo sạt lở núi và nơi ở mới cũng gần khu ở cũ nên thuận lợi cho sản xuất.
Khu tái định cư nằm cách nơi ở cũ khoảng 500m. 36 hộ đồng bào dân tộc vùng lở núi và 15 hộ dân thuộc vùng có khả năng ảnh hưởng khi núi sạt lở, được di dời về đây để ổn định cuộc sống.
Khi còn ở khu vực lở núi, mặc dù nhà đã xuống cấp nhưng gia đình anh Phạm Văn Đền vẫn không dám xây nhà mới. Đến nơi ở mới ổn định, gia đình anh quyết định xây dựng nhà kiên cố với số tiền dành dụm hơn 60 triệu đồng và được huyện hỗ trợ 12 triệu đồng.
Anh Đền chia sẻ Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho dân đến nơi ở mới, xây nhà, có điện nước đầy đủ, con em được đến lớp thuận tiện nên bà con ai cũng vui mừng.
Khu tái định cư Làng Mâm được xây dựng trên diện tích hơn 3ha với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng để phục vụ tái định cư cho các hộ đồng bào H’rê ở vùng sạt lở núi.
Nhà nước đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như hệ thống nước sạch với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, điện lưới quốc gia, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ chọn địa điểm phù hợp nên bà con không phải lo chuyện định canh.
Ông Huỳnh Văn Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tơ cho biết khu tái định cư Làng Mâm được xây dựng trên diện tích đất của các hộ dân tự nguyện hiến đất. Tuy còn gặp một số khó khăn về tuyến đường liên thông với xã do mưa lũ cuối năm 2013 làm hư hỏng, nhưng về cơ bản khu tái định cư đã có điện, nước, gần trường học và nơi sản xuất, nên bà con an tâm định canh, định cư.
Từ việc xây dựng khu tái định cư cho dân vùng sạt lở núi thôn Làng Mâm, xã Ba Bích, huyện Ba Tơ cho thấy để xây dựng khu tái định cư cần chọn địa điểm phù hợp trên cơ sở tham khảo ý kiến của người dân để vừa định cư, vừa định canh thuận lợi. Như vậy mới khắc phục được tình trạng có khu tái định cư mà dân phải quay về sống tại nơi ở cũ./.