Hơn 1 giờ chiều, Mường Xén mưa như trút nước. Mây cuồn cuộn sà sát đỉnh núi phía cửa khẩu Nậm Cắn chừng như chuẩn bị ập thẳng xuống thị trấn phố núi chon von chót cùng miền Tây xứ Nghệ. Mưa rầm rập khiến cho cánh xe ôm người Mông, Thái… ậm ờ vẻ đầy thờ ơ khi được chúng tôi đề nghị chở vào Mường Típ, xã cuối cùng của huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm thị trấn Mường Xén chừng 30 km. Phải mất rất lâu nài nỉ và liên tục tăng giá cho đoạn đường đi, sau cùng, La Văn Sơ, gã xe lai khu 2 thị trấn mới "liều mình" chở chúng tôi cắt núi lên đường. Hành trình đi tìm những mối tình Lào-Việt hoang sơ, tự “kết hoa” ở vùng đất chót cùng xứ Nghệ của chúng tôi bắt đầu. Bản “hai quốc tịch một mái nhà” Trước khi xe nổ máy, La Văn Sơ, gã trai người Thái đen đúa dặn trước: "Đường đi sẽ rất dốc, nhà báo phải ngồi yên, không được hoảng, có gì tôi sẽ tự lo..." Nghĩ đến gương mặt ái ngại của gần tá xe ôm gần chợ Mường Xén, cộng thêm mưa vẫn cứ rỉ rả trút xuống, tôi chợt cảm thấy rùng mình. Nhưng rồi cũng tặc lưỡi, xắn cao quần lên leo len chiếc xe Win cũ kỹ của Sơ. Qua Mường Xén chừng 1 km, Sơ đột ngột về số, chuyển tay lái sang bên trái. Thay vì đường bằng rải nhựa, những con dốc trước mặt bắt đầu lô nhô dựng lên. Đá to như ấm tích theo nước thi thoảng lại lăn lông lốc từ phía trên xuống. Xe gằn từng tiếng, như con ngựa thở dốc khi lên một đỉnh cao dựng đứng. Ngồi trên xe, người luôn có xu hướng nảy lên, văng ra phía sau nếu không bám chắc. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ vật lộn với bùn đất và dốc đứng, sau cùng, chúng tôi cũng lên được tới Mường Típ. Chủ tịch xã Cụt Pho Tuyên, người dân tộc Thái ngẩn người mất một lúc khi được hỏi về những trường hợp “hôn nhân” Việt-Lào trên địa bàn Mường Típ. Lẩn mẩn, ông bảo: “Rải rác các bản của xã đều có người Việt lấy người Lào cả.” Nhưng số lượng là bao nhiêu thì bản thân ông cũng không nắm rõ. Chỉ biết, từ lâu lắm rồi, mối quan hệ thân tộc cộng với việc địa bàn hai nước tại đây chỉ cách nhau con sông Nậm Mủ nên chuyện những mái nhà có hai quốc tịch không phải là hiếm.
.
Thế hệ đầu tiên của một trong những gia đình Việt-Lào ở Mường Típ (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Để dẫn chứng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mường Típ, Mo Mặc Khích hăm hở lấy xe chở nhà báo vào từng bản để “thống kê” lại những trường hợp này. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là bản Sốp Phe, cách Ủy ban nhân dân xã chừng 4 km đường rừng. Theo lời của Khích, trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, bản này đã chứng kiến 2 cô dâu người Việt “xuất ngoại” sang nước bạn Lào. Ở hướng ngược lại, trai bản Sốp Khe cũng “kịp” cưới một người vợ đất Triệu Voi về bản.
[Ký thỏa thuận về người di cư tự do biên giới Việt-Lào] Nằm trên một con dốc cao, căn nhà của cặp vợ chồng Nguyễn Văn Băn (quốc tịch Việt Nam) và Hòa Thị Nga (quốc tịch Lào) chon von nhìn thẳng ra phía sông Nậm Mủ. Cách đây 15 năm, cứ mỗi dịp lễ Tết, Băn lại vượt sông, cắt rừng sang xã Thăm Thao, huyện Nọong Hét chơi với đồng bào Khơ Mú nước bạn. Trong những lần ấy, Băn để ý tới cô gái Nga nết na, hay lam hay làm. Theo thời gian, tình cảm lớn dần lên. Đến một ngày, Băn quyết tâm hỏi Nga về làm vợ. Từ đấy đến nay, hai người đã có hai mặt con, cháu lớn Nguyễn Thị Hợi 15 tuổi, cháu bé năm nay cũng đã học xong lớp 1. Mo Mặc Khích cười lớn khi kể lại chuyện tình Lào-Việt ấy. Ở cùng bản Sốp Phe, anh chứng kiến nhiều lần cảnh trai Khơ Mú đất Việt mình bơi riết qua sông sang tâm tình cùng con gái Khơ Mú Thăm Thao. Khoảng cách 2 đất nước tại Mường Típ chỉ là một mặt sông cách chừng 5 sải bơi người lớn. Ngôn ngữ hai bờ cũng là một nên chuyện trai gái hẹn hò và nên đôi cũng tự nhiên như cây cỏ. Thế mới có chuyện, không chỉ “nhận dâu” đất Lào, Sốp Phe nói riêng và xã tận cùng huyện Kỳ Sơn nói chung còn chứng kiến cảnh con gái mình đi làm dâu nước bạn. Điển hình là trường hợp của Y Mi ở bản Ta Đo lấy chồng là Lu Thoong Khăm, bản Na Mương, Lào.
Hai nước Việt-Lào tại Mường Típ chỉ cách nhau một con sông (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo thống kê nhanh, hiện toàn xã Mường Típ, có hơn 50 trường hợp Việt-Lào kết hôn (không giá thú-PV), trong đó nhiều nhất phải kể đến các bản Ta Đo, Sốp Phe, Huồi Phe… Riêng cụm bản Huồi Phe, do cách trung tâm xã tới 3 giờ đường rừng nên hiện xã rất khó nắm bắt chính xác số hộ gia đình 2 quốc tịch tại đây. Những mối tình "vắt vẻo" đường biên Việt-Lào Trong số những cô dâu người Lào hiện đang ở Mường Típ, có lẽ đặc biệt nhất phải kể đến bà Moong Thi Soi ở bản Ta Đo. Vốn là người Khơ Mú tỉnh Xiêng Khoảng, nhưng bà Soi lại có mối duyên nợ lạ kỳ với Việt Nam. Bà là cô dâu Lào duy nhất trải qua 2 đời chồng, cũng là 2 anh em ruột người xã Mường Típ. Năm 1976, bà về làm dâu họ Cụt dân tộc Khơ Mú bên này sông Nậm Mủ. Đến năm 1978, chồng bà mất. Lúc này, người em chồng là ông Cụt Pho Đoàn vừa đi bộ đội trở về. Do đã quen biết nhau trong những chuyến 2 anh em họ Cụt vượt sông sang đất Lào chơi trước đây nên 2 người tự nhiên cảm mến. Cô gái Lào, một lần nữa làm dâu đất Việt, chung sống như vợ chồng với ông Đoàn. Trải qua mấy chục năm, hai người đã có 2 con trai, 6 cháu nội. Tất cả vẫn sinh sống với nhau dưới căn nhà gỗ trên dốc cao ngó thẳng ra dòng Nậm Mủ đỏ lừ phía trước. Thời gian ở đất Việt lâu đến nỗi, giờ bà đã có thể nói được tiếng Kinh, thậm chí có cả tên mới theo họ nhà chồng là Cụt Mé Đoàn. Móm mém cười khi nhắc đến phận làm dâu của mình, bà Soi bảo: “Nó với mình cùng là người Khơ Mú nên lấy nhau, có gì đâu.”
Đại gia đình Việt-Lào tại Mường Típ (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lấy vợ, gả chồng “ngoại quốc” cũng có lắm chuyện buồn vui mà chỉ Mường Típ mới được chứng kiến. Phó Bí Thư đoàn Thanh niên xã, Khích cười lớn: “Xã Mường Típ tuy nghèo nhất nhì Kỳ Sơn nhưng cũng lại có nhiều ‘Việt kiều’ nhất nhì cả tỉnh Nghệ An hầy." Tuy vậy cũng chẳng hiếm lần, cô dâu Việt giận chồng, bơi một hơi qua dòng Nậm Mủ về nhà bố mẹ ở mấy hôm rồi lại được chồng dỗ dành về đất bạn..," Khích kể. Những mái nhà “hai quốc tịch” vẫn tồn tại nơi miền tây xứ Nghệ. Thế nhưng, những số liệu thống kê cụ thể lại chưa được các cấp chính quyền địa phương nắm rõ. Ông Hoàng Văn Hiếu, chuyên viên Phòng Tư pháp (Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết: “Theo thống kê của Phòng Tư Pháp huyện Kỳ Sơn trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không có trường hợp đăng ký kết hôn Việt-Lào nào. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận, thực tế, việc kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới Việt-Lào trên địa bàn huyện rất khó nắm bắt cụ thể. “Ở vùng biên giới, người dân thường xuyên đi lại với nhau nên cũng dễ dẫn đến việc về ở với nhau. Tuy nhiên, đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, dân trí thấp nên họ không đăng ký kết hôn; từ đó dẫn đến việc các xã không nắm được thông tin cụ thể và không báo cáo số liệu chính xác cho huyện,” ông Hiếu cho hay. “Việc kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ phải có nhiều khâu với quy trình, hồ sơ phải chuyển xuống cấp Sở thẩm định nên tương đối phức tạp. Trong khi đó, mức độ hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, quan niệm về hôn nhân khá đơn giản và họ về ở với nhau chủ yếu theo phong tục, tập quán.., kiểu 'yêu thì sống chung' và cũng không ít người quan niệm rằng việc làm các thủ tục đăng ký kết hôn là của nhà nước, các cơ quan chính quyền,” ông Hiếu bày tỏ. Việc hình thành nên những gia đình Việt-Lào kết hôn không giá thú như vậy là một thực tế do lịch sử để lại trước khi hai nước tiến hành phân định đường biên giới. Việc không đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề chính sách, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh... Nghe chúng tôi nói về "Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước" vừa được ký trong ngày, ông Hiếu hồ hởi, "vậy thì tốt quá rồi, cho cả chính quyền giáp biên hai nước, cho những mối tình 'qua sông' đã, đang và sẽ 'đơm hoa kết trái' một sự hợp thức hóa, ổn định được cuộc sống vùng biên hẻo lánh của đồng bào..."./.
Sơn Bách-Phương Mai (Vietnam+)