Theo đánh giá chung của các thành viên trên thị trường chứng khoán, niềm tin đã trở lại và thị trường đang có một cơ hội tăng trưởng bền vững.
Chứng khoán “lên ngôi”
Sau 8 phiên giao dịch đầu năm Giáp Ngọ, thị trường chứng khoán đã có sự chuyển động mạnh mẽ. Bên cạnh các phiên giao dịch tăng, giảm đan xen thì VN-Index đã tăng hơn 13 điểm và HNX-Index tăng trên 5 điểm.
Thanh khoản trong các phiên giao dịch cũng gia tăng rất nhanh, với dòng tiền lên tới trên 3.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Ông Nguyễn Anh Tùng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, trước Tết Âm lịch, ông đã rất thận trọng rút tiền về và đợi nghe ngóng biến động thị trường sau dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, ngay sau những động thái giao dịch của các phiên đầu xuân, ông Tùng đã yên tâm đổ tiền vào đầu tư trên thị trường.
Theo số liệu thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), nửa đầu của tháng Hai, các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua trên 60 triệu đơn vị, bán gần 47 triệu đơn vị, trong khi tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong khoảng thời gian đó là gần 1.079 triệu đơn vị. Giá trị mua ròng của khối ngoại gần 372 tỷ đồng trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường gần 16 nghìn tỷ đồng.
Điều này cho thấy bên cạnh dòng tiền ngoại, các nhà đầu tư trong nước đã quay trở lại với thị trường. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức thì chứng khoán đã nổi nên thành một kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút dòng vốn trong xã hội.
Ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên phân tích kỹ thuật, Phòng Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bản Việt chỉ ra, các sóng trước đây các nhà đầu tư tham gia vào thị trường rất nhanh. Nhà đầu tư sau khi ký quỹ (Margin) thì chỉ đợi đến chu kỳ T+3 là tranh thủ bán ra, song đợt sóng này thì khác hẳn, họ sẵn sàng nộp tiền mới bù đắp cho các khoản ký quỹ và duy trì chứng khoán trong tài khoản.
“Qua đây cho thấy niềm tin trên thị trường đang rất tích cực,” ông Minh nói.
Về điều này, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư kỳ cựu trên sàn chứng khoán SSI cho biết, cá nhân ông đã quyết định nắm giữ một số mã cổ phiếu blue-chip trong trung hạn đồng thời đón tín hiệu từ các chính sách vĩ mô, tham gia "lướt sóng" vào nhóm cổ phiếu bất động sản.
“Một số bạn bè của tôi cũng bắt đầu quay lại với thị trường, nhưng cách đầu tư giờ đây đã khác xa so với trước kia. Nếu anh không nắm được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đón trước được các chính sách kinh tế thì rủi ro vẫn rất cao,” ông Tuấn Anh khuyến cáo.
Tích lũy để đi lên
Quan sát diễn biến giao dịch trên thị trường trong đợt vừa qua cho thấy, sau một số phiên tăng mạnh thì dòng tiền bất ngờ chững lại và đẩy VN-Index đảo chiều đi xuống.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thị trường thể hiện “động tác giả” từ việc bán ra cổ phiếu của nhà đầu tư lớn. Cụ thể, phiên giảm điểm đi kèm khối lượng giao dịch cực lớn vào ngày 11/2 đã tạo tâm lý lo ngại trên trên thị trường chứng khoán với suy nghĩ là dòng tiền lớn đang chốt lời. Nhưng sau diễn biến đó, các ngày 12, 13 và 14/2 thị trường chứng khoán đã tăng điểm trở lại.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán An Bình, nhấn mạnh, diễn biến bán ra ngày 11/2 chỉ là cái bẫy của những nhà đầu tư lớn nhằm kích thích các nhà đầu tư trong nước bán ra chốt lời và tạo mức giá đóng cửa thấp để tiếp tục mua tích lũy cổ phiếu.
“Một đặc điểm quan trọng là VN-Index đã hoàn thành giai đoạn đi ngang tái tích lũy từ ngày 20/1 đến 11/2 và sau đó đã tiếp tục tăng giá cuối tuần qua. Những biến động này sẽ tạo hậu thuẫn cho đà tăng giá ngắn hạn và trung hạn. Mặt khác, biểu hiện tăng giá sau khi đi ngang tái tích lũy còn được ủng hộ bởi khối lượng giao dịch tăng dần đều trong các phiên gần đây, thể hiện rằng dòng tiền tiếp tục vào thị trường khá vững chắc,” ông Tuấn phân tích.
Ngoài ra, trong thời gian qua, dòng tiền đã quay trở lại nhóm cổ phiếu thị giá trung bình và thị giá thấp, đưa nhóm cổ phiếu này có mức tăng khá ấn tượng trong ngắn hạn.
"Theo đó, trong trung hạn, tôi tiếp tục lạc quan về thị trường sẽ tiếp cận các mức cao mới, đặc biệt chỉ số VN-Index có thể hướng về mức 590 điểm trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh. Do đó, các nhà đầu tư lướt sóng vẫn còn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn trước khi rút ra khỏi thị trường để chờ đợi nhịp điều chỉnh đồng thời tôi cũng đánh giá cổ phiếu bắt đầu khó mua và dần không còn giá hấp dẫn nhiều trong ngắn hạn," ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên phân tích kỹ thuật, Phòng Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bản Việt, đưa ra quan điểm cá nhân.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng chỉ ra rằng nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra tích cực và rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam, vì theo đánh giá chung, đây là thị trường ổn định và an toàn nhất. Trong thời điểm hiện tại, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ đang dần cắt gói định lượng QE3 sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhóm thị trường mới nổi, thì Việt Nam trở thành điểm sáng với nền chính trị khá ổn định so với các nước trong khu vực đồng thời nền kinh tế bắt đầu có xu hướng ổn định sau giai đoạn khủng hoảng.
Ông Minh cũng cho hay, gần đây các quỹ đầu tư từ Thái Lan đã chuyển xu hướng qua Việt Nam đầu tư và Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng đã tiếp nhận một vài trong số các khách hàng đó./.