Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài ở Italy, khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, vai trò lãnh đạo ngày càng lớn của Đức trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như sự suy yếu ảnh hưởng của khối này trong kinh tế thế giới là những nguyên nhân quan trọng khiến niềm tin của người Italy vào EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu của Viện nghiên cứu dư luận Demopolis (Italy) cho biết chỉ có 26% số người được hỏi ủng hộ EU, mức thấp nhất kể từ khi Viện này tiến hành thăm dò dư luận liên quan đến EU từ năm 2006 đến nay.
Chỉ số niềm tin của người Italy vào EU giảm đều từ 51% năm 2006 xuống 48%, 41% và 32% trong 3 năm 2010, 2012 và 2014. Điều đáng chú ý, Italy là một trong những nước sáng lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU ngày nay, sau khi Hiệp ước Rome được ký kết năm 1957.
Theo ông Pietro Vento, Chủ tịch Viện nghiên cứu Demopolis, người Italy ngày càng tin rằng với chính sách "thắt lưng buộc bụng," EU đang tìm cách bảo vệ thị trường và khu vực tài chính của mình hơn là đứng về phía quyền lợi của các công dân trong khối. 52% số người được hỏi tỏ ra thất vọng với việc EU áp dụng chặt chẽ chính sách khắc khổ và nhất là cách mà liên minh này thắt chặt các điều kiện vay nợ đối với Hy Lạp.
Bên cạnh đó, sự thiếu chắc chắn trong giải quyết khủng hoảng kinh tế, tình trạng thất nghiệp và sự thiếu thống nhất của khối trong vấn đề người nhập cư cũng góp phần khiến niềm tin của người Italy giảm 20% trong vòng 5 năm qua.
Mặc dù không đặt trọn niềm tin vào EU nhưng người Italy vẫn cho rằng việc rời khỏi Eurozone là không khả thi và có thể khiến nước này chìm sâu hơn vào khủng hoảng. Số người ủng hộ rút khỏi Eurozone để quay về dùng đồng lira như trước kia đã giảm từ 33% trong năm ngoái xuống 28% vào thời điểm hiện tại. Tỷ lệ người ủng hộ Italy tiếp tục ở lại Eurozone là 65%./.