Dường như châu Phi đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Lục địa Đen dự kiến sẽ tăng 15% trong năm 2019, sau khi tăng 11% lên 46 tỷ USD vào năm 2018.
Dòng vốn FDI vào châu Phi vẫn thấp hơn mức trung bình của 10 năm qua khoảng 50 triệu USD/năm, nhưng niềm tin của các nhà đầu tư đang trở lại và lục địa này có thể đạt ngưỡng thu hút FDI trung bình vào cuối năm nay.
Năm 2018, có sự sụt giảm dòng vốn FDI đầu tư vào một số nền kinh tế lớn của lục địa, gồm Nigeria - nền kinh tế lớn số 1 châu Phi, Ai Cập (nền kinh tế lớn số 2 lục địa) và Ethiopia.
Tuy nhiên, FDI vào các nền kinh tế khác lại có sự tăng cao. Đáng chú ý nhất là Nam Phi - nền kinh tế lớn số 3 châu lục, đã tiếp nhận dòng vốn FDI tăng gấp đôi từ 2 tỷ USD năm 2017 lên 5,3 tỷ USD năm 2018, chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, lọc dầu, chế biến thực phẩm và công nghệ thông tin.
Dòng vốn đầu tư vào khu vực Bắc Phi tăng 7% lên 14 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, lượng vốn vào Tây Phi lại giảm 15% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006 là 9,6 tỷ USD.
[CFTA - động lực giúp kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh mẽ]
Điều này phần lớn là do sự giảm mạnh FDI đổ vào Nigeria, căng thẳng thương mại gia tăng và tăng trưởng kinh tế ảm đạm ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Pháp tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi do liên kết lịch sử với một số quốc gia tại đây và đầu tư lớn vào các nền kinh tế như Nigeria và Angola.
Hà Lan đứng vị trí thứ 2 với hơn 2/3 nguồn FDI của nước này tập trung ở 3 quốc gia gồm Ai Cập, Nigeria và Nam Phi.
Đáng chú ý, tổng nguồn vốn FDI của cả Mỹ và Vương quốc Anh vào châu Phi đã giảm trong 4 năm qua do tình trạng thoái vốn và chuyển lợi nhuận về nước. Ngược lại, FDI của Trung Quốc vào châu Phi tăng hơn 50% trong giai đoạn 2013-2017.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng tích cực này một phần nhờ vào những tiến bộ trong hội nhập khu vực và tiến tới thực thi Hiệp định Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA).
Ngoài ra, xu hướng này cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn về dịch vụ kinh doanh, chế tạo, nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như nền kinh tế kỹ thuật số.
Dòng tiền đầu tư vào tất cả các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đang tiếp tục đà giảm.
Ở một số nước châu Phi, nền kinh tế kỹ thuật số đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính, chiếm hơn 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành trụ cột dẫn đến thành công của kinh tế châu Phi trong 2 thập kỷ qua.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, châu Phi đang phải đối mặt với các dịch vụ kém chất lượng và giá cả cao hơn so với mức trung bình trên thế giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến lĩnh vực này nhằm thu hẹp khoảng cách với các khu vực khác trên thế giới.
Sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của châu Phi, chiếm khoảng 25% GDP và 70% nhân lực của "lục địa Đen."