Từ một nông dân thuần túy chân lấm, tay bùn, bằng niềm đam mê cơ khí, sự kiên trì và ham học hỏi, ông Nguyễn Văn Chế ở tỉnh Hải Dương đã tạo nên nhiều nông cụ hữu dụng, tăng hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Đến với cơ khí bằng niềm đam mê
Ông Chế sinh ra, lớn lên ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách - một vùng nổi tiếng trồng hành vụ Đông của tỉnh Hải Dương.
Để thỏa niềm đam mê với nghề cơ khí, ban đầu, khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, ông chỉ mua một chiếc máy hàn về, tranh thủ lúc nông nhàn để chế tạo nên những cái cuốc, cái cào phục vụ cho nghề nông của gia đình.
Hồi tưởng lại những ngày vất vả, "một nắng, hai sương" với thu nhập bấp bênh hơn 20 năm về trước, ông Chế kể: “Trồng cây hành rất vất vả. Có khi làm đất phải mất gần cả tháng trời. Nhiều lúc thời tiết không thuận, đến khi làm đất xong, bị muộn mất khung thời vụ dẫn đến năng suất và sản lượng mùa màng bị thấp."
Trăn trở với việc phải làm ra một loại máy móc nào đó có thể rút ngắn thời gian làm đất, giảm thiểu sức lao động cho người nông dân quê mình, ông Chế đã nhiều năm mày mò thử chế tạo.
Sau nhiều thất bại, cuối cùng, những nỗ lực của ông đã cho “quả ngọt." Sản phẩm lưỡi cày lên luống hoàn thiện của ông đã gây ngỡ ngàng cho người dân địa phương. Sản phẩm đã giành giải Nhì giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương năm 2009.
[“Nhà sáng chế” của nông dân với chiếc máy hút sâu chè]
Chia sẻ về những sản phẩm do mình sáng chế, người nông dân 58 tuổi nở nụ cười thuần hậu: “Tôi cũng làm ruộng, trồng hành nên tôi thấm thía cái vất vả nhọc nhằn của người nông dân. Chính vì thế, tất cả những nông cụ tôi chế tạo đều hướng tới mục đích giảm nhân công, giảm giá thành đầu vào, nâng cao lợi nhuận từ sản xuất cho bà con. Sản phẩm mình làm ra được bà con tin dùng, tôi rất vui và tự nhủ sẽ không ngừng đổi mới, cải tiến kiểu dáng, hạ giá thành sản phẩm."
Từ chỗ là một nông dân chính hiệu, đến với cơ khí bằng sự đam mê, không ngừng tự học, tìm tòi, chế tạo, khi sản phẩm đầu tiên “ra lò” thành công, sự đón nhận của bà con nông dân đã thôi thúc ông tích cực tìm hiểu để tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm cũ cho năng suất, hiệu quả hơn.
Đến năm 2018, sản phẩm lưỡi cày lên luống đã được ông Chế cải tiến thêm công năng, hiệu suất. Nếu như trước kia, sản phẩm chỉ đơn thuần tạo luống, nay có thêm công năng làm đất tơi nhỏ, điều chỉnh được độ rộng và độ cao của luống đất.
Sau khi làm xong, người dân có thể bón phân, tra hạt giống luôn, không phải mất thêm các công đoạn thủ công khác.
Hỗ trợ đắc lực cho người nông dân
Không thể nói hết niềm vui của người nông dân Nam Trung khi từng sản phẩm sáng chế của ông Chế đã được ứng dụng vào sản xuất.
Vừa gạt những giọt mồ hôi tuôn trên gương mặt sạm nắng trong lúc thu hoạch lúa mùa, ông Trần Văn Chiến, nông dân thôn Thụy Trà hồ hởi: “Bây giờ làm đất, trồng hành nhàn hơn nhiều so với trước kia đấy. Như nhà tôi, 3 sào ruộng này nếu trước kia với sức trâu kéo cày, người cào, người cuốc thì phải mất 9 ngày mới làm đất xong. Thuê người làm thì hết 2,7 triệu đồng. Còn bây giờ, tôi thuê máy cày có lưỡi cày lên luống chỉ mất 1 ngày là làm xong, không cần thêm nhân công nào khác nữa. Tiền thuê máy chỉ hết 750.000 đồng."
Ông Lê Công Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Nam Trung đánh giá: “Không riêng sản phẩm lưỡi cày lên luống mà nhiều sản phẩm khác của ông Chế như dao thái hành, tỏi hoặc một số sản phẩm khác đã giúp nông dân địa phương giảm công lao động, rút ngắn thời gian cho một số khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, qua đó đã giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân."
Tính đến nay, bên cạnh sản phẩm lưỡi cày lên luống đạt danh hiệu “Sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2014” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trao tặng, được bình chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018," cá nhân ông đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2015, được tặng Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương (năm 2018); bằng khen của Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam (năm 2013) cùng nhiều giấy chứng nhận khi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm về máy cơ khí nông nghiệp.
Danh tiếng ngày càng bay xa, đến nay, sản phẩm do xưởng cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Duy Chế đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện xưởng sản xuất của gia đình ông đã có thêm sản phẩm khác như máy sàng hạt, máy sấy nông sản... Sản phẩm sản xuất hoàn toàn theo đơn đặt hàng các nơi gửi về. Doanh thu mỗi năm của gia đình ông trung bình đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.
Với xưởng cơ khí của mình, ông Chế còn tạo việc làm cho 4-5 lao động với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Để “tiếp lửa” cho những người nông dân đam mê sáng chế, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hải Dương cũng có nhiều giải pháp đồng hành.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã quảng bá rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về phong trào thi đua lao động sáng tạo. Mỗi hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do tỉnh tổ chức thu hút trung bình hơn 100 giải pháp, đề tài, trong đó có nhiều đề tài lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học, phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật tới cán bộ, đảng viên, nhân dân thông qua bản tin khoa học và ứng dụng, qua các hội nghị báo cáo viên.
Qua đội ngũ gần 40.000 hội viên của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật đã lan tỏa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tới bà con nông dân./.